Ngành nào của Việt Nam chịu tác động từ Zero-Covid của Trung Quốc?

Trang Nhi| 28/03/2022 11:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

xnk-vn.jpg
Ảnh minh họa.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Cùng với đó, Trung Quốc cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.

BSC cho biết, chiến dịch Zero-Covid tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nhóm ngành thủy sản và cảng biển. Đối với ngành cảng biển, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, chiếm đến 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương. Từ đó, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam sẽ bị sụt giảm. Trên thực tế, các cảng tại miền Bắc có tỷ trọng sản lượng thông qua cảng đến từ cảng trung chuyển Trung Quốc nhiều hơn các cảng tại miền Nam. Chính vì thế, nhóm doanh nghiệp cảng miền Bắc sẽ bị tác động nhiều hơn.

Đối với ngành thủy sản, Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ. Khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.

Đối với dệt may, việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen đối với ngành này tại Việt Nam. Đối với ảnh hưởng tiêu cực, trong trường hợp mở rộng phong tỏa toàn bộ tỉnh Quảng Đông, quy trình sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy. Song BSC cũng kỳ vọng một số đơn hàng dệt may sẽ dịch chuyển sang các nước lân cận (trong đó có Việt Nam), tiếp tục xu hưởng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí thấp hơn.

Tiếp đó là các ngành thép, phân bón và hoá chất cũng chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch Zero Covid trong ngắn hạn nhưng không lớn. Thấy rõ nhất là các sản phẩm tăng giá mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu nhờ đó được hưởng lợi.

Ngược lại, ngành Vận tải biển Việt Nam lại nhận được tín hiệu tích cực. Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng trong giao thương, thương mại quốc tế, là quốc gia xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu lớn thứ 2 toàn thế giới. Vì thế, việc các hoạt động sản xuất bị hạn chế và công suất hoạt động hệ thống Cảng Trung Quốc giảm sẽ dẫn tới việc kéo dài sự đứt gãy của chuỗi logistics toàn cầu. Tình trạng tắc nghẽn hệ thống cảng và thời gian chờ cập bến kéo dài sẽ dẫn tới việc gia tăng cước phí vận tải toàn cầu, từ đó tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp Vận tải biển Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành nào của Việt Nam chịu tác động từ Zero-Covid của Trung Quốc?