“Ngành Giáo dục Thủ đô cần nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập”

Phong Vân| 15/08/2022 22:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội tổ chức ngày 15/8.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2021-2022, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn TP Hà Nội có 2.835 trường học với 70.199 lớp và hơn 2,2 triệu học sinh cùng 138.090 giáo viên.

Toàn ngành cũng đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Lần đầu tiên, Lễ khai giảng chung toàn TP Hà Nội đã được tổ chức và phát trực tiếp trên sóng truyền hình. Hà Nội đã rà soát, trợ cấp, hỗ trợ, tặng quà 1.233 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã tổ chức trao hơn 10.000 thiết bị với giá trị ước tính trên 30 tỷ đồng giúp các em học sinh có điều kiện học trực tuyến.

image_gallery-1-.jpg
Phó Bí thư Thành ủy  Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Về đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia, năm học 2021-2022, khối các trường trực thuộc Sở đã được TP Hà Nội quan tâm xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp với tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 45 trường với tổng kinh phí khoảng 166 tỷ đồng; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc. Đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP Hà Nội là 64,3%, trong đó, trường công lập là 79%. Thành phố cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn Thành phố.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ. Sở đã tổ chức triển khai Trung tâm điều hành giáo dục thông minh TP Hà Nội phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố. Các kỳ thi chuyển cấp được tổ chức nghiêm túc, an toàn và chất lượng. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 hoạt động hiệu quả, được Nhân dân ủng hộ. Học sinh Hà Nội đã đạt 125 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 63 Huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn gặp một số khó khăn về việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường học ở các quận nội thành; thiếu giáo viên ở một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, tâm huyết, đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên để đạt được những kết quả rất đáng khích lệ năm học 2021-2022, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập, khó khăn để có giải pháp khắc phục, trong đó, quan tâm đến vấn đề tư vấn tâm lý học đường; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, với thuận lợi và vị thế của Thủ đô, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tập trung thực hiện 3 nhóm việc: Tiên phong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khắc phục dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn.

Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần quan tâm giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục địa phương để nâng cao giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng nhân ái cho học sinh…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngành Giáo dục Thủ đô cần nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập”