Ngành du lịch Nhật bị ảnh hưởng nặng nề do hoãn Olympic

Minh Khang| 30/03/2020 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ước tính thiệt hại do hoãn Olympic từ 5,4 đến 18 tỷ USD - khiến kinh tế Nhật Bản thêm suy thoái, đặc biệt là ngành du lịch đình trệ.

Với những đơn vị điều hành tour du lịch, nhà tài trợ sự kiện, cho đến những người bán hàng rong và xưởng phim, việc Olympic 2020 bị hoãn dấy lên lo ngại ngày càng lớn cho tương lai của nền kinh tế Nhật Bản và thế giới. 

Ước tính của các nhà kinh tế cho chi phí hoãn Olympic một năm là khoảng 600 đến 2.000 tỷ yên (5,4 - 8 tỷ USD), so với ước tính chi phí hủy bỏ hết khoảng 8.000 tỷ yên (tương đương 72 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm, Olympic bị trì hoãn trong thời bình. Olympic mùa hè đã bị hủy bỏ ba lần trước đó vào năm 1916, 1940 và 1944, còn mùa đông hai lần vào năm 1940 và 1944. Tất cả đều do chiến tranh.

"Ảnh hưởng của dịch bệnh này đối với ngành du lịch là vô cùng nghiêm trọng và Olympic bị hoãn thậm chí còn tệ hơn", Eiha Jo, người sáng lập công ty du lịch China Enterprise có trụ sở tại Tokyo, cho biết.

Công ty của ông đã phục vụ hơn 600 khách du lịch giàu có đến từ Trung Quốc vào năm ngoái. Họ đã đến Nhật Bản để chơi golf, tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tìm kiếm tài sản để đầu tư. Nhưng tôi e rằng tình hình kinh doanh còn một đợt sụt giảm mạnh so với năm ngoái", Eiha nói.

Olympic bị hoãn đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ mất khoảng 9 triệu khách nội địa và 300.000 khán giả quốc tế. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs ước tính sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh tạo ra mức tiêu thụ 150 tỷ yên (1,3 tỷ USD) của khách nước ngoài và 400 tỷ yên (hơn 3,7 tỷ USD) chi tiêu trong nước, bao gồm cả hàng hóa và chi phí di chuyển tới Tokyo và một số sự kiện khác cho Olympic.

Ủy ban đấu thầu Olympic và Paralympic Tokyo cho biết có 46.000 phòng nghỉ cho các quan chức thể thao, truyền thông và nhà tài trợ. Nay toàn bộ phòng đã đặt đều bị hủy bỏ.

Ngành du lịch Nhật bị ảnh hưởng nặng nề do hoãn Olympic

Shigemi Sudo, tổng thư ký của Hiệp hội khách sạn và nhà trọ truyền thống ở Tokyo cho biết: "Chúng tôi thở phào vì Olympic không bị hủy, nhưng vẫn lo lắng về tương lai của ngành công nghiệp cho đến mùa hè năm sau. Những nhà điều hành khách sạn vừa và nhỏ có thể phải đối mặt với tình hình tài chính nghiêm trọng giữa bối cảnh nCoV lây lan".

Công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank thống kê các vụ phá sản do đại dịch gây ra trong top 15 có 6 đơn vị ngành du lịch và 3 trong lĩnh vực nhà hàng.

Shigenobu Abe, đại diện Teikoku Databank, nhận định: "Đến giờ, các công ty có xu hướng bị phá sản vốn đã gặp khó khăn về tài chính, gần đây mới có trường hợp một công ty phá sản dù đã hoạt động tốt trước khi dịch bùng phát".

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Nhật Bản nên đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đến khi Olympic đem lại lợi ích kinh tế như mong đợi.

Tuy nhiên, Yasuhide Yajima, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu NLI, thuộc công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản Nippon, nhận định: "Hoãn rõ ràng là tốt hơn hủy, và đây chính là phao cứu sinh của Nhật Bản. Dù vậy, quyết định đó sẽ phá hủy viễn cảnh nền kinh tế Nhật Bản phục hồi trong năm nay nhờ sự kiện thể thao này".

Bên cạnh đó, tác động của nCoV có thể còn kéo dài, nhưng lợi ích kinh tế nhờ tổ chức các cuộc thi sẽ không bị mất đi. Một khi Olympic không bị hủy bỏ, sự thúc đẩy kinh tế sẽ trở thành hiện thực khi sự kiện được tổ chức, theo ông Takuji Aida, nhà kinh tế trưởng của công ty chứng khoán Societe Generale Securities Japan.

Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi ước tính rằng trong ba năm qua, hiệu ứng kinh tế trị giá 13,8 nghìn tỷ yên (hơn 127,8 tỷ USD) đã được hiện thực hóa nhờ xây dựng sân vận động mới, cùng các địa điểm và nhà ở khác. Hiệu quả kinh tế dự kiến, như chi tiêu của khán giả Olympic, dự kiến sẽ đạt khoảng 660 tỷ yên (6,1 triệu USD), theo SMBC Nikko Securities Inc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành du lịch Nhật bị ảnh hưởng nặng nề do hoãn Olympic