Để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tập trung thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng.
Những vấn đề cần tháo gỡ trong xử lý sở hữu chéo
Những năm gần đây, những vụ việc bê bối liên quan đến một số NHTM đều có “bóng dáng” của sở hữu chéo trong đó.
Tình trạng sở hữu chéo giữa các NHTM đã đưa đến nhiều hệ lụy như thiếu minh bạch, khó quản lý, làm gia tăng nợ xấu khi nguồn vốn sử dụng không hiệu quả, giảm tính cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt đã tạo ra sự thao túng và các NH “sân sau” do các doanh nghiệp lớn chi phối.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận, dù tình trạng sở hữu cổ phần, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với nhau, giữa TCTD với doanh nghiệp, đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xử lý.
Trong đó, tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng khác vẫn là vấn đề cần quan tâm có thể tiềm ẩn rủi ro. Mặc dù theo Ngân hàng Nhà nước, tình trạng tổ chức tín dụng sở hữu trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác được khắc phục; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại tổ chức tín dụng khác (một chiều) giảm.
Việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật nhưng cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
Hơn nữa, pháp luật không có quy định về khái niệm đầu tư chéo. Hiện nay, một số tổ chức tín dụng cấp tín dụng (cho vay, đầu tư...) đối với cổ đông (tổ chức, cá nhân) và người liên quan của cổ đông. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không cấm trường hợp tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định (Điều 126, 127, 128 Luật các Tổ chức tín dụng về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng).
“Siết chặt” hoạt động của các tổ chức tín dụng
Để ngăn ngừa việc này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng thông qua thanh tra vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn...
Trường hợp phát hiện rủi ro, dấu hiệu của tội phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Các bộ, ban, ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cũng cần quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các tổ chức tín dụng đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn.
Ngoài ra, theo kế hoạch thanh tra năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng, là hoạt động có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối tổ chức tín dụng và thanh tra việc cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn…).
Cơ quan này cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có nhà băng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.
Bên cạnh đó, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng (quy định hiện nay là 5%). Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.