Dù kết quả kinh doanh năm qua với nhiều số liệu khả quan nhưng các ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt, có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận chậm lại.
Bên cạnh những ngân hàng được kỳ vọng lãi lớn, SSI Research cũng dự báo nguy cơ tăng trưởng lợi nhuận âm tại một số ngân hàng. Cụ thể, SSI đánh giá đà tăng trưởng của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã giảm tốc trong quý cuối cùng của năm 2022 với lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 4.500 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy tính chung cả năm, lợi nhuận trước thuế của MB vẫn ước đạt 22.700 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa.
Tương tự với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 dự kiến giảm đáng kể gần 23% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 1.350 tỷ đồng. Nguyên nhân được SSI chỉ ra là do gặp bất lợi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ khi mà lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong năm 2022, cũng như giảm thu nhập phí thuần.
Mới đây nhất, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế gần 27%, từ 1.090 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận 9 tháng của VietBank đạt 536 tỷ đồng. Việc điều chỉnh giảm kế hoạch này phần nào đã phản ánh tín hiệu không mấy sáng sủa của ngân hàng trong quý cuối năm.
Đánh giá triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể ở mức từ 10 - 14%, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017 - 2021.
Các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI dự báo đạt 249.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023, tăng 13,7% so với năm 2022. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước có thể đạt mức trên 18%, cao hơn mức tăng của các ngân hàng thương mại khác do triển vọng biên lợi nhuận (NIM) tốt hơn và tỷ trọng dư nợ cho vay đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tại các ngân hàng này ở mức thấp.
Còn tại báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực lên ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc, hiệu quả kinh doanh ngân hàng có thể bị thu hẹp do chi phí vốn gia tăng. Chưa kể tới thu nhập dịch vụ và thu nhập khác giảm tốc, đặc biệt là phần thu nhập từ hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm... cũng đang là áp lực lên kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2023.
Mặt khác, giới phân tích nhận định xu hướng lãi suất tăng nhanh kéo theo nguy cơ nợ xấu gia tăng, việc xử lý nợ xấu có độ trễ, cũng như mức độ lạm phát trong nước và thế giới... sẽ khiến quy mô tăng trưởng của các ngân hàng chậm lại.