Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đích đến của chất cấm là nhắm vào các trang trại chăn nuôi. Cho đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản khống chế, ngăn chặn được tại các trang trại".
Ngăn "đường đi" của chất cấm
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, chất cấm tuồn vào chăn nuôi bắt đầu giảm và từng bước ngăn chặn, triệt xóa trong thời gian tới. Cụ thể, trước Tết, Cục Thú ý tiến hành lấy 1.000 mẫu tại 15 tỉnh, thành. Kết quả xét nghiệm đã phát hiện 98 mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm, chiếm đến 9,8%. Thế nhưng, đến tháng 2/2016 tình hình đã giảm đi rất nhiều và sau khi lấy 1.175 mẫu chỉ còn phát hiện 1,66% mẫu nước tiểu của lợn dính đến chất cấm. Đến tháng 3, qua lấy 457 mẫu chỉ còn phát hiện 3 mẫu.
Ông Việt cho biết thêm, riêng về nguồn chất cấm nhập khẩu, đến nay đã cơ bản khống chế được. Qua kiểm tra đã làm rõ các doanh nghiệp và Bộ Y tế cho phép nhập chất cấm với số lượng 9.369kg (hơn 9 tấn). Khi rà soát, việc tiêu thụ không đúng đối tượng được xác định là hơn 6 tấn (cụ thể là 6.268kg); trong đó, đã thu hồi lại được 2.050kg, số còn lại “rơi rớt” trên thị trường. Trong khi đó, tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã khống chế. Cụ thể, đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2016, qua thanh kiểm tra các nhà máy thức ăn chăn nuôi. Kết quả cho thấy, 207 mẫu kiểm tra tại các nhà máy không còn phát hiện chất cấm.
KIểm tra doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương sử dụng chất cấm hồi cuối năm 2015 (Ảnh: Minh Long)
Tuy nhiên, trước việc các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, rồi thức ăn bổ sung có kháng sinh sử dụng có đúng mục đích không, bán cho đúng đối tượng không. “Hiện, việc kiểm soát kháng sinh khó khăn rất nhiều so với chất cấm trong chăn nuôi, bởi vì kháng sinh có rất nhiều loại có kháng sinh cấm, số hạn chế sử dụng và có nhiều kháng sinh được phép sử dụng nhưng người ta lạm dụng” - ông Việt tỏ ra lo lắng.
Chất cấm bắt đầu giảm
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú ý và Thủy sản tỉnh Bình Dương đến tháng tư năm 2016, tình hình sử dụng chất cấm đã bắt đầu tụt giảm rõ rệt, số mẫu lấy tes nhanh nước tiểu lợn tại các hộ chăn nuôi đã không còn dính đến chất cấm. Tuy nhiên, trên thị trường đang còn “lung lay” mất niềm tin vì tồn dư từ thông tin chất cấm đã gây ảnh hưởng tâm lý lo lắng của người tiêu dùng, kéo theo hàng trăm trang trại, hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn cũng bị thua thiệt.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2016, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã kiểm tra và liên tục phát hiện chất cấm dính đến các cơ sở chăn nuôi lợn. Cụ thể, qua lấy mẫu test nhanh nước tiểu; đồng thời gửi mẫu cho Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 2 (Tp. Hồ Chí Minh) xét nghiệm. Kết quả cho thấy, trong số trường hợp cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn của tỉnh có sử dụng chất cấm vẫn ở mức rất cao, chiếm tỷ lệ 17,39% tổng số cơ sở được kiểm tra.
Song song đó, kiểm tra số lợn tập kết tại lò mổ (gồm 26 mẫu nước tiểu) tại ba địa bàn gồm thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An. Kết quả cho thấy có hơn 30,7% heo có mức độ tồn dư chất cấm vượt mức cho phép từ 2,6 đến 120 lần.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất của ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho hay, việc có đến trên 17% số cơ sở chăn nuôi bị chất cấm được phát hiện hồi trước Tết, còn đến thời điểm của tháng tư thì tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm rõ rệt, thậm chí qua kiểm tra hàng chục mẫu gần đây không còn phát hiện dương tính với chất cấm. Ông Cường cho rằng đây là dấu hiệu chuyển biến tích cực đáng mừng cho cả ngành quản lý, cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang có 440 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 457.000 con; trong đó, có 293 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn và 147 trang trại tư nhân. Bên cạnh đó, có 3.160 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với trên 94.000 con. Tuy nhiên, trước thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã và đang đe dọa đến ngành chăn nuôi đang phát triển rất mạnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là ảnh hưởng đến nhiều hộ chăn nuôi chân chính.
Ông Giáp Quang Trung, người chăn nuôi lợn ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết: "Tôi thấy bây giờ Nhà nước cũng như là Quốc hội đã bàn và trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi được chúng tôi theo dõi nhiều lắm, nếu Nhà nước xử phạt đúng nghiêm minh như thế thì người dân rất phấn khởi. Việc phạt hàng tỷ đồng, thậm chí phạt tù thì tôi cho rằng nếu duy trì tốt như vậy chắc chắn tới đây sẽ đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm".
Tuy nhiên, theo ông Trung để chất cấm không quay trở lại trong chăn nuôi, cần phải xóa triệt để nguồn chất cấm nhập vào Việt Nam; đồng thời tổ chức kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn chăn nuôi cũng như giám sát đầu tư nguồn thịt động vật. Bên cạnh đó, quy hoạch ngành chăn nuôi lành mạnh nói không với chất cấm, tạo nguồn sản phẩm sạch đủ sức cạnh tranh sau khi hội nhập TPP.