Một số người theo thuyết âm mưu hoài nghi, liệu chăng Ngài Trump đang chơi "ván bài xoay trục" theo cách riêng của mình; và quân bài mà ông sử dụng, biết đâu lại chính là chương trình tên lửa mà Triều Tiên đang theo đuổi?
Sáng 29/8, Triều Tiên tiếp tục phóng thử một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Có thể coi đây chính là hành động “ăn miếng trả miếng” đối với việc Mỹ và Hàn Quốc kiên quyết duy trì hoạt động tập trận chung giữa quân đội hai nước Mỹ - Hàn. Bởi trước đó, ngày 26/8, để thể hiện sự phản đối cuộc tập trận chung Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG) giữa quân đội hai nước Mỹ - Hàn đang diễn ra, phía Bình Nhưỡng đã gửi một bức thư yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp khẩn về cuộc tập trận chung này, đồng thời chỉ trích cuộc tập trận mang tính “khiêu khích và xâm lược”.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Trong khi đó, cũng ngay sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa, cùng ngày 29/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có các cuộc điện đàm riêng với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung-wha để thảo luận về việc này. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, các bên đã thể hiện quan điểm chung rằng, vụ phóng trên là “một bước leo thang các hành động khiêu khích” của Triều Tiên và cho thấy “mối đe dọa nguy hiểm” mà Bình Nhưỡng đặt ra với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các nước trên thế giới. Được biết nội dung cuộc điện đàm, Ngoại trưởng ba nước đã nhất trí việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên để chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un hiểu rằng, việc liên tục vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ (liên quan đến chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng) sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế lên án và cô lập mà thôi!
Về phía Hàn Quốc, trong bài phát biểu tại hội thảo về sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức tại Seoul ngày 30/8, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đã đánh giá cao sự ủng hộ mà khối này dành cho những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Kang cũng bày tỏ mong muốn ASEAN tiếp tục là một bên ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đối với vấn đề Triều Tiên, trong đó cam kết xây dựng nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và tạo dựng một “bức tranh kinh tế” mới dựa trên sự ổn định trong khu vực.
Còn về phía Trung Quốc, cũng trong ngày 29/8 sau vụ Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo kể trên, phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này đang phối hợp với các nước thành viên khác HĐBA LHQ để thảo luận vấn đề Triều Tiên. Ông Vương hối thúc tất cả các bên “tuân thủ các biện pháp hòa bình và ngoại giao” để cùng tìm ra một giải pháp nhằm giải quyết căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên.
Tiếp đó đến ngày 30/8, phát biểu tại phiên họp của HĐBA LHQ liên quan tới vụ phóng tên lửa đạn đạo hôm 29/8 của Bình Nhưỡng, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất khẳng định Bắc Kinh giữ nguyên lập trường “phản đối bất kỳ sự hỗn loạn hay chiến tranh” trên Bán đảo Triều Tiên. Theo ông Lưu, tăng cường triển khai hành động quân sự trong khu vực sẽ không thể giúp ích cho việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoặc ổn định khu vực.
Trung Quốc cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại khu vực Đông Bắc Á hủy hoại nghiêm trọng cán cân chiến lược khu vực
Bên cạnh đó, trong phát biểu của mình Đại sứ Lưu cũng kêu gọi phía Mỹ ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên Bán đảo Triều Tiên nhằm hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trong khu vực. Theo ông Lưu cũng như phân tích của các chuyên gia quân sự Trung Quốc trước đó, việc triển khai hệ thống THAAD tại khu vực Đông Bắc Á sẽ hủy hoại nghiêm trọng cán cân chiến lược khu vực, làm suy yếu các lợi ích an ninh chiến lược của tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Động thái này cũng sẽ làm leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, khiến tình hình thêm phức tạp và khó kiểm soát. “Bắc Kinh cũng hối thúc các bên liên quan ngừng quy trình triển khai và dỡ bỏ các thiết bị liên quan ngay lập tức”, Đại sứ Lưu nhấn mạnh.
Đánh giá về một loạt diễn biến đang xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên, nhiều chuyên gia cảm giác như các ông lớn đang “vờn nhau”, chơi trò “con nít” để đo xem mức độ cứng rắn của mỗi bên lớn đến đâu. Trong khi trên truyền thông, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang thể hiện thái độ cố công kích lẫn nhau nhằm khẳng định tiếng nói của mình và vị thế quốc gia trên trường quốc tế, thì một vài học giả theo thuyết âm mưu lại hoài nghi rằng, có thể chính hai nhà lãnh đạo này đang “bắt tay” với nhau để nhằm một mục tiêu khác và nhắm đến với những đối tượng khác?!
Quay lại thời điểm khi ông Trump đắc cử, nhiều người từng lo ngại rằng có thể chiến lược xoay trục châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đổ bể. Tuy nhiên, theo dõi tình hình đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, một vài người ngờ ngợ nhận ra… có vẻ như ông Trump đang chơi "ván bài xoay trục" theo cách riêng của mình; và quân bài mà ông sử dụng, theo họ, rất có thể lại chính là chương trình tên lửa mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi?
Dù thế nào đi chăng nữa tất cả cũng chỉ là phán đoán. Triều Tiên vốn được mệnh danh là một quốc gia bí ẩn nhất thế giới, và cũng luôn ẩn chứa những điều bất ngờ đến khó lường. Liệu “bom” có phát nổ trên Bán đảo Triều Tiên hay không, câu trả lời tốt nhất luôn là: Hãy kiên nhẫn chờ đợi!