Ngã tường rào, người đàn ông bị thanh sắt đâm xuyên cổ

Chí Tâm| 11/09/2019 21:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong quá trình chặt cây, ông lão 61 tuổi bị té ngã ra sau và bị cây sắt lớn ở tường rào đâm xuyên từ gáy ra phía trước xương hàm.

Ngày 11/9, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công cho ông Nguyễn Xuân C. (61 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị cây sắt lớn đâm từ vùng chẩm cổ ra đến tận góc hàm dưới.

Theo lời kể của người nhà, trước đó ông C. leo trèo để chặt cây ở độ cao khoảng 2m. Không may, khi đang chặt cây, ông bị té ngã và bị cây sắt phi 10 ở hàng rào cắm xuyên từ vùng chẩm cổ (phía sau gáy) ra đến tận góc hàm dưới, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngã tường rào, người đàn ông bị thanh sắt đâm xuyên cổ

Ông C. bị thanh sắt cắm vào vùng chẩm cổ xuyên ra đến tận góc hàm dưới.

Sau tai nạn, người thân của ông C. phải cưa thanh sắt này rồi nhanh chóng chuyển nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Sau khi được sơ cứu, ông C. tiếp tục được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

BS Văn Hữu Khánh - Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, do bệnh nhân có tiền sử suy tim đã thay van tim cơ học nhân tạo 9 năm và uống thuốc chống đông máu liên tục nên bị rối loạn đông máu.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ của nhiều khoa đã hội chẩn, xác định đường đi của thanh sắt bắt đầu từ vùng chẩm cổ ra đến góc hàm dưới bên phải. Sau đó, bệnh nhân được truyền 2 đơn vị huyết tương, xem xét chỉ số đông máu ổn định thì mới bắt đầu phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân vẫn còn nguy cơ đông máu nên được truyền thêm 3 đơn vị huyết tương, 1 đơn vị máu và ca mổ kéo dài hơn 3 giờ.

Theo BS Khánh, rất may, cây sắt đã xuyên qua giữa 2 mạch máu lớn, chỉ làm tổn thương nhẹ thành của động mạch cảnh ngoài. Nếu cây sắt lệch khoảng 3-5 mm khiến đứt động mạch cảnh ngoài thì bệnh nhân có thể tử vong. Sau 2 ngày phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các vết thương do dị vật bị đâm xuyên, không nên tự ý rút dị vật ra, vì khi đó vết thương có thể trở thành vết thương hở và bệnh nhân sẽ bị mất máu nhiều rất nguy hiểm.

Trong trường hợp này, cần giữ nguyên dị vật, băng kính vết thương và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngã tường rào, người đàn ông bị thanh sắt đâm xuyên cổ