Một nghiên cứu khoa học mới đây dự đoán, vào năm 2030, Nga có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo, và giảm chi phí năng lượng tới 20%.
Các tấm hấp thu năng lượng mặt trời ở Khakassia, Nga
Thông tin trên được các chuyên gia đến từ trường Đại học Tổng hợp Công nghệ Lappeenrant của Phần Lan đưa ra trong dự án thiết kế mô hình hệ thống năng lượng dành cho Nga và các nước Trung Á hoạt động hoàn toàn nhờ vào các nguồn năng lượng tái tạo, theo International Business Times.
Các nhà khoa học giả định, hệ thống mới có thể hoạt động bằng năng lượng mặt trời và năng lượng địa nhiệt, nhờ sức gió (60% tổng năng lượng), nước và sinh khối. Theo họ, đây sẽ là lựa chọn “tốn ít tiền nhất” đối với Nga và khu vực Trung Á bởi chi phí năng lượng sẽ thấp hơn khoảng 50% so với một hệ thống sử dụng năng lượng hạt nhân, hoặc khai thác và bảo quản carbon dioxide.
Các chuyên gia của Đại học Lappeenrant nhận định việc chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng từ các nguồn tài tạo vào năm 2030 là mục tiêu khả thi.
Christian Breyer, một trong những tác giả công trình nghiên cứu nói trên nhận xét: “Chúng tôi cho rằng đây là mô hình hệ thống100% năng lượng tái tạo đầu tiên dành cho nga và các nước Trung Á. Mô hình cho thấy Nga có thể trở thành một trong những nơi giàu sức cạnh tranh nhất về năng lượng trên thế giới”.
IBTimes cho biết, hầu hết các nước sử dụng mô hình (được nêu trong nghiên cứu) phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân. Và do đó, cần có một sự thay đổi mạnh mẽ để có thể hiện thực hóa dự án.
Theo các chuyên gia, 13 nước được nêu trong dự án, điển hình như Nga, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan, Armenia và Azerbaijan nên áp dụng mô hình 100% năng lượng tái tạo bởi có thể giảm chi phí năng lượng tới 20%.
Nghiên cứu nói trên là một phần của dự án nghiên cứu Năng lượng Carbon mới. Dự án cũng đã tiến hành những điều tra tương tự ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Mỹ và Phần Lan.