Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII vừa qua đã thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Một trong 16 nội dung mà các cán bộ Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và nghiêm khắc với bản thân là kiên quyết chống việc chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.
Việc tập trung “nêu gương” với các cán bộ cấp cao trong Đảng là cần thiết, bởi cấp cao làm tốt thì cấp dưới sẽ không dám làm sai. Đó chính là tấm gương sáng để cho mọi người nhìn theo mà học tập, thực hiện. Việc nêu gương lần này được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, sẽ góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.
Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ, nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ được giải quyết; "không chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Nhiệm vụ trước mắt là cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên cần nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ…
Trước đó, ngày 7/6/2012, Ban Bí thư cũng đã có Quy định số 101 QĐ/TW về trách nhiệm của cán bộ đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó có yêu cầu chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác…
Như vậy, chống chạy chức chạy quyền, chống tiêu cực trong công tác cán bộ luôn là vấn đề nóng, được đề cập trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác cán bộ.
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng. Để không xảy ra những tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như thời gian qua, cần nâng cao kỷ luật Đảng trong công tác cán bộ. Nêu cao tính tự giác, đặc biệt là tính nêu gương của những người có vị trí quyết định về công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm quy định của Trung ương về quy trình trong công tác cán bộ.
Ngoài ra, để tạo được sự minh bạch trong công tác cán bộ, lựa chọn được đội ngũ cán bộ chất lượng cần có cơ chế thi tuyển công khai, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân có vi phạm trong công tác cán bộ.