Văn hóa - Du lịch

Nặng lòng với di sản cha ông

Hà Mai 09/02/2024 16:00

Chúng tôi có dịp gặp gỡ những bạn trẻ đến từ Quảng Ngãi, những người tâm huyết với du lịch di sản, tại Lễ hội bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2023 được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Tại đây, du khách mê đắm trong không gian của những bản thuyết minh sinh động ở gian hàng giới thiệu du lịch cộng đồng và trình diễn nghệ thuật gốm cổ Sa Huỳnh.

anh-tram2.jpg
Anh Trầm giới thiệu về mô hình du lịch văn hóa di sản mà cô và các bạn đang phát triển tại quê hương Quảng Ngãi.

Từ bảo tồn sắc gốm ngàn năm...

Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa cổ có niên đại cách đây 3.500-2.000 năm. Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh và gốm chính là linh hồn của nền văn hóa này.

Phong cách chế tác đồ gốm độc đáo, thể hiện văn hoá của các cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm. Người Sa Huỳnh cổ rất khéo tay và có mỹ cảm tuyệt vời. Các đồ gốm gia dụng đều được tạo dáng thanh nhã, cân đối, hoa văn phong phú, sinh động thể hiện một tâm hồn tinh tế và giàu xúc cảm.

Trong không gian thấm đẫm sắc màu văn hóa, thuyết trình viên Nguyễn Thị Ánh Trầm cho biết: Khác với các làng gốm khác trên dải đất Việt Nam như Bát Tràng - Hà Nội; Chu Đậu - Hải Dương; Biên Hòa - Đồng Nai hay gốm Phước Tích - Thừa Thiên Huế… khi những nơi này đã áp dụng rất nhiều công nghệ mới vào sản xuất từ khâu nặn sản phẩm tới nung bằng lò sử dụng điện, ga hay tráng men, vẽ hình trang trí sản phẩm… thì người thợ gốm Sa Huỳnh vẫn duy trì cách làm gốm thủ công mà cha ông gần ngàn năm nay đã làm - lấy đất, nhào nặn, nung bằng củi trong lò truyền thống để tạo ra những sản phẩm độc bản một cách hoàn hảo.

Sản phẩm gốm Sa Huỳnh đều là gốm mộc, đất sét nung chứ không sử dụng men.

gom-sa-huynh.jpg
Nghệ nhân làm gốm Trần Thị Mỹ giới thiệu về cách làm gốm Sa Huỳnh tại Lễ hội bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2023.

Đặc trưng về kỹ thuật tạo dáng đồ gốm Sa Huỳnh là kỹ nghệ chế tác giải cuộn kết hợp với bàn đập hòn kê và ghép nối, chung. Đặc trưng về kỹ thuật tạo hoa văn trên đồ gốm Sa Huỳnh biểu hiện trên hai loại hình hoa văn: hoa văn kỹ thuật và hoa văn trang trí.

Hoa văn kỹ thuật bao gồm văn thừng, văn chải, văn đắp nổi dải đai; Văn trang trí bao gồm các loại văn khắc vạch bằng loại bút một răng hay nhiều răng, văn in mép sò, văn in chấm đầu que, văn tô màu...

Đồ gốm trong văn hóa Sa Huỳnh có nhiều công dụng khác nhau như đồ chứa đựng hài cốt mai táng, đồ thờ cúng, đồ gốm dùng trong trang trí hay sinh hoạt, sản xuất. Dựa trên chức năng và kiểu dáng đồ gốm, các thợ gốm đã tạo nên các mô típ hoa văn đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh và đặc trưng cho từng loại đồ gốm khác nhau.

Đồ gốm Sa Huỳnh không chỉ phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng mà còn có nét đẹp riêng bởi nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú.

Qua nghiên cứu thành phần khoáng vật có trong gốm Sa Huỳnh là sét, thạch anh, fenspat, cacbonat, hydroxyt Fe, hydroxyt Al. Hàm lượng trường thạch trong các mẫu thường rất cao và đây là sản phẩm phong hóa đá mác ma axít giàu kiềm.

Tay chỉ vào hai mẫu đất sét bên cạnh, bà Trần Thị Mỹ - nghệ nhân có 40 năm kinh nghiệm làm gốm cho biết, số đất sét bà mang theo khi ra Hà Nội tham gia triển lãm vừa hết, bà phải mua thêm nhưng “đất ngoài này cứng lắm”.

Nhìn kỹ hai mẫu đất sét, tôi nhận thấy đất sét Sa Huỳnh có sắc nhũ ánh đẹp khi ánh sáng chiếu vào. Có lẽ chính vì nguồn nguyên liệu đặc trưng này mà gốm Sa Huỳnh không tráng men nhưng màu sắc vẫn có nét đẹp riêng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực khôi phục và bảo tồn di sản gốm Sa Huỳnh, khả năng tồn tại của loại gốm cổ này vẫn đứng trước những nguy cơ mai một bởi quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng đến không gian và cảnh quan của làng nghề truyền thống, vùng đất làm gốm chưa được quy hoạch và chi phí mua nguyên liệu cao, nghệ nhân lành nghề cao tuổi còn ít và rất ít thế hệ trẻ tiếp nối nghề.

Với mong muốn bảo tồn và phát huy nghề gốm Sa Huỳnh như một tài sản quý giá, giúp cho cộng đồng bản địa cũng như du khách thập phương hiểu rõ về giá trị di sản của di tích quốc gia đặc biệt văn hoá Sa Huỳnh, vào ngày 30/11/2023, tại làng gốm Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), nơi người dân đang bảo tồn gốm Sa Huỳnh trong vô thức, Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh được thành lập với 12 thành viên, chủ yếu kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm làm gốm, giới thiệu và bán các sản phẩm gốm gia dụng và gốm thủ công mỹ nghệ.

Hợp tác xã là kết quả của dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hoá Sa Huỳnh và đầm An Khê” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Sungco tư vấn, triển khai thực hiện.

... đến phát triển du lịch di sản văn hóa cộng đồng

Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh được xây dựng và triển khai mô hình quản lý trên cơ sở nhân rộng mô hình của sản phẩm OCOP 3 sao làng du lịch Gò Cỏ, kết hợp với đó để vận hành hiệu quả và bền vững các dịch vụ du lịch tại làng gốm Vĩnh An. Làng chài Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ được biết đến là một điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, nằm sát bên đầm An Khê và bờ biển Sa Huỳnh.

Nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh và những thắng cảnh hoang sơ, tự nhiên cũng như một bãi biển và gành đá hàng triệu năm tuổi. Làng Gò Cỏ có 83 hộ dân với diện tích 105ha, nằm giữa hai đồi núi cao, cách biệt với cư dân bên ngoài.

Đây là không gian yên bình được các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện khi đi khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2017. Làng quê này từng có lớp cư dân cổ - chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh (niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm).

Đến với Gò Cỏ, du khách dễ dàng bắt gặp những đặc trưng tiêu biểu của người Sa Huỳnh mà cư dân làng chài này đã gìn giữ cả ngàn năm trước. Ở đây, thay vì những hàng rào cây cỏ như thông thường, hay tường rào bê tông, lưới thép hiện đại như hầu hết các vùng quê khác, hiện nay trong làng Gò Cỏ vẫn còn tồn tại rất nhiều con đường, tường rào được xếp bằng đá tỉ mỉ.

Những tảng đá lớn đá nhỏ xếp chồng lên nhau tạo thành đường đi, cầu thang, tường rào, bờ ruộng, bờ suối, nhà đá và đền miếu... và những chiếc cổng vòm được kết từ hoa giấy, cây xanh tạo cho ta cảm giác gần gũi, thân thiết đến lạ thường.

Ngoài ra, trong làng còn có khoảng 12 giếng đá cổ - là sản phẩm mà người Chăm Pa để lại khi cư ngụ tại đây. Hệ thống giếng cổ này đã và đang là mạch sống, nuôi dưỡng nhiều thế hệ người dân làng Gò Cỏ.

Tháng 12/2020, du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh đạt hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Đây cũng chính là sự khẳng định thực sự về giá trị của một ngôi làng còn giữ lại không gian văn hóa cổ của người xưa, nó mở ra một cột mốc mới cho tỉnh Quảng Ngãi về tiềm năng du lịch cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ánh Trầm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Gò Cỏ, một cô gái còn rất trẻ, sôi nổi chia sẻ về mô hình du lịch di sản mà cô cùng đồng nghiệp đang tâm huyết xây dựng.

“Với sự quyết tâm cao của một số người tiên phong, cùng với sự giúp đỡ, động viên từ chính quyền, Gò Cỏ dần phát triển thành làng du lịch cộng đồng rất tiềm năng. Bây giờ bà con trong làng đã nhận thức, hưởng ứng và năng nổ tham gia làm du lịch. Người trẻ cũng dần trở về làng để góp công, góp sức cùng chúng tôi”.

Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, Hợp tác xã đã hình thành các tổ dịch vụ như: Tham quan, trải nghiệm bằng thuyền nan; dịch vụ homestay với tổng sức chứa khoảng 50 khách/đêm; tổ thuyết minh viên về làng Gò Cỏ; tổ Nhà hàng cộng đồng; tổ dịch vụ trải nghiệm làm nông dân; tổ dịch vụ trải nghiệm nấu ăn; tổ dịch vụ trải nghiệm trò chơi dân gian và một số dịch vụ trải nghiệm khác.

Khách du lịch đến với nơi đây sẽ dành thời gian lưu lại làng Gò Cỏ bởi lẽ xung quanh còn có Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, Đầm An Khê, đồng muối Sa Huỳnh; di tích Bia Ký Chăm, làng gốm Vĩnh An và đặc biệt là được tham gia trải nghiệm quy trình làm gốm Sa Huỳnh…

Mảnh đất Gò Cỏ đã chứng kiến bao biến thiên lịch sử, từ cam go của trường kỳ kháng chiến đến sự lãng quên và hồi sinh ngoạn mục. Đến nay, nhờ mô hình Hợp tác xã du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Sa Huỳnh, bà con ở đây đón du khách với đủ các sản vật đặc trưng của miền Trung nắng gió.

Loại hình du lịch di sản đa dạng và gắn kết các hoạt động du lịch xung quanh khu vực đầm An Khê, di chỉ khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh, làng chài cổ Gò Cỏ và quần thể di tích quốc gia đặc biệt này không chỉ giúp bảo tồn một nền văn hóa cổ xưa mà còn phát triển sinh kế đa dạng cho người dân bản địa dựa trên chính nghề truyền thống cũng như phát triển du lịch cộng đồng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Đức Phổ - nơi vốn là vùng lõi của Trung tâm di sản, văn hóa cổ Sa Huỳnh.

Với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành, mảnh đất Gò Cỏ này sẽ sớm trở thành một khu du lịch cộng đồng, điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng trong tương lai.

bai-bien-lang-go-co.jpg
Bãi biển và gành đá hàng trăm triệu năm tại làng cổ Gò Cỏ.

Thực tế đã minh chứng, di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng cho các điểm đến du lịch. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, những dòng khách du lịch tấp nập đổ về các trung tâm di sản văn hóa dẫn đến người người, nhà nhà làm du lịch...

Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế-xã hội, mà còn bảo tồn chính những di sản văn hóa đó. Tuy nhiên, quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi cũng tiềm ẩn không ít những tác động tiêu cực lên các di sản văn hóa, để lại những hệ lụy trong tương lai.

Với tâm huyết và sự nhanh nhạy quyết tâm vượt khó của tuổi trẻ, chúng tôi tin rằng Ánh Trầm và những đồng nghiệp sẽ giúp cho những nét đẹp văn hoá Sa Huỳnh ngàn đời lưu truyền và tỏa sáng mãi về sau như những gì mà cô mong muốn: “Chúng tôi khôi phục và bảo tồn những giá trị di sản văn hóa để lại tiếp tục trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nặng lòng với di sản cha ông