Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển Việt Nam

Thùy Dương| 28/06/2021 18:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng trước thiên tai và biến đổi khí hậu, việc đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là điều rất cần thiết.

Các khóa đào tạo này có thể giúp người dân tiếp cận thông tin về biến đổi khí hậu cũng như khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai phù hợp và xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai hiệu quả tại địa phương.

a.png
Tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai – biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (TOT) tỉnh Quảng Bình ngày 24/6/2020

Tuy nhiên, công tác đào tạo, tăng cường năng lực về phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng sử dụng nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Do đó, việc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (gọi tắt là Dự án GCF chống chịu biến đổi khí hậu) do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ hỗ trợ thực hiện 520 lớp tập huấn ở các xã dễ bị ảnh hưởng nhất do thiên tai đã đóng góp đáng kể cho công cuộc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của Chính phủ.

Qua 3 năm triển khai, thông qua các lớp tập huấn cho giảng viên nguồn, Dự án đã xây dựng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và năng lực truyền đạt về phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu từ cấp TW đến cấp tỉnh. Các giảng viên nguồn sẽ trực tiếp xuống các xã để đào tạo đội ngũ cán bộ xã về nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giúp xã hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương.

c.png
Cán bộ xã tham gia thảo luận về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại xã Bảo Ninh, Thành phố Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình ngày 23/12/2020

Bên cạnh đó, để đảm bảo các ý kiến của cả cộng đồng được lắng nghe, chia sẻ, các khóa đào tạo QLRRTT dựa vào cộng đồng đã bao gồm ít nhất 30% phụ nữ tham gia và khuyến khích phụ nữ tham gia với vai trò lãnh đạo trong thực hành các việc đã được đề xuất tại lớp tập huấn.

Từ năm 2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN và PTNT Việt Nam đã phối hợp với BQLDA thành phần 7 tỉnh dự án là Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau tổ chức 373/520 lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã và đánh giá rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng có sự tham gia của người dân trong vùng dự án.

Các lớp tập huấn trên đều được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để đảm bảo tính minh bạch của dự án cũng như lồng ghép đầy đủ các nội dung của dự án bao gồm: nhà an toàn trong phòng, chống thiên tai, trồng và khôi phục rừng ngập mặn, bình đẳng giới và thích ứng biến đổi khí hậu. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã nâng cao năng lực cho hơn 39.000 người dân ven biển.

Tại lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn kiến thức chung về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng và thực hành các công cụ đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Sau quá trình đánh giá tại thôn/cụm thôn, học viên thảo luận và xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai cấp xã, là cơ sở để lập Kế hoạch Phòng chống thiên tai và phương án ứng phó BĐKH cấp xã. Những kiến thức được tập huấn đã giúp người dân nâng cao nhận thức để chủ động phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Dự kiến đến cuối năm 2021, dự án GCF sẽ tiếp tục triển khai 10 lớp tập huấn cấp tỉnh và 168 lớp tập huấn cấp xã về quản lý rủi ro thiên tai, rủi ro do biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tai 28 tỉnh thành ven biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển Việt Nam