Nâng cao kỹ năng quản lý rủi ro trong các doanh nghiệp để sẵn sàng ứng phó với COVID-19

Trang Nhi| 26/07/2021 09:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự lây lan rộng rãi của COVID-19 và những bất ổn về kinh tế đã và đang mang đến nhiều thách thức cho nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh những tác động tới con người, COVID-19 đã và đang gây ra những gián đoạn trong kinh doanh. Muốn tồn tại và vượt qua đại dịch an toàn, doanh nghiệp cần phải “trang bị” kỹ năng ứng phó một cách kịp thời với đại dịch, nhất là việc nâng cao khả năng quản lý rủi ro trong doanh nghiệp.

Quản lý rủi ro – kỹ năng cần thiết trong doanh nghiệp trước đại dịch

Các loại rủi ro thường gặp trong hoạt động của DN do đại dịch tác động gồm các loại cơ bản sau: rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, rủi ro biến động giá cả hàng hóa, rủi ro tín dụng, rủi ro năng lực kinh doanh, rủi ro chính trị - kinh tế, rủi ro văn hóa… các doanh nghiệp dễ lúng túng khi gặp tình huống bất ngờ như vậy nhưng vẫn phải vận hành tốt hoạt động kinh doanh.

Chính vì vậy, quản trị rủi ro trong hoạt động của DN ngày càng nhận được sự quan tâm cả trong nghiên cứu và thực tiễn, nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro trong hoạt động của DN, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nước nhà nói chung.

1.png

Các DN cần đánh giá, xếp hạng rủi ro để dễ dàng vượt qua đại dịch

Quản trị rủi ro là việc xác định mức độ rủi ro, nhận diện được mức độ rủi ro hiện nay của doanh nghiệp đang phải gánh chịu và sử dụng các công cụ phái sinh hoặc các công cụ tài chính khác để điều chỉnh mức độ rủi ro xuống mức thấp nhất hoặc về không.

Việc phân tích rủi ro tại DN Việt Nam trong những năm gần đây đã được chú ý thực hiện, mặc dù vẫn phụ thuộc phần lớn vào năng lực trình độ của chủ hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp. Nên khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, các DN không còn quá “bỡ ngỡ” với những gì COVID-19 gây ra bởi trước đó, các DN đã tiến hành phân tích để có được những hiểu biết nhất định về những rủi ro có thể xảy ra nhằm lên phương án ứng phó rủi ro, từ đó biến các rủi ro thành lợi thế hoặc phòng tránh được rủi ro.

Nâng cao quản lý rủi ro để vượt “bão” dễ dàng

Nhiều DN ví von, thời điểm này chẳng khác nào đang trong cơn bão lớn và phải tìm mọi cách để vượt qua mọi rủi ro. Dù đơn hàng các DN nhận được nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng hàng loạt khó khăn, thách thức vẫn đang chực chờ. Đó là giá thành của sản phẩm bị đẩy lên rất cao vì nguyên liệu đầu vào tăng 30-80%, công vận chuyển hàng hóa tăng 20-30%, lương cho người lao động tăng khoảng 10%. Trong khi sản phẩm làm ra giá bán có khi giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, không ít DN đối mặt với việc thua lỗ với những đơn hàng ký dài hạn.

Với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tùy từng ngành, lĩnh vực tuy đầu ra thuận lợi hơn, doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận của DN lại giảm mạnh vì chi phí đầu vào tăng cao, giá hàng hóa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ tăng 4-8%. Một số mặt hàng có giá bán vẫn giữ nguyên hoặc giảm.

2.png

Quản lý rủi ro là kỹ năng cần thiết đối với DN để ứng phó với mọi tình huống bất lợi

Trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, DN có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn quốc đều gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, những DN quản lý rủi ro tốt lại phục hồi sản xuất nhanh do kịp thời điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng những mặt hàng trong nước, nước ngoài đang cần và giảm bớt những mặt hàng có nhu cầu ít.

Trên tổng thể thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường nội địa và nước ngoài đều giảm do dịch bệnh COVID-19, người tiêu thụ thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn do nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh. Mặc dù vậy, với việc đánh giá trước rủi ro, trong hàng loạt khó khăn vẫn có những cơ hội để DN khai thác, vì có những mặt hàng nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Những DN kịp thời nắm bắt được yêu cầu của thị trường, tham gia vào các chuỗi toàn cầu vẫn có cơ hội ổn định và mở rộng sản xuất.

Chẳng hạn, ở Đồng Nai, nhờ đánh giá và xếp loại rủi ro sớm, nhiều DN thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ... dễ dàng vượt qua đại dịch, giải quyết khó khăn trong DN, đã tìm đối tác ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Có những DN còn dự tính xây dựng thêm nhà máy, tăng công suất để đáp ứng đơn hàng lớn đến từ nhiều thị trường trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Rõ ràng, đẩy mạnh các phương pháp quản trị rủi ro sao cho có hiệu quả nhất đồng thời tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để có thêm sự hỗ trợ tương tác cùng nhau phát triển là giải pháp giúp DN đứng vững trước bão tố, không rủi ro nào làm khó được DN.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kỹ năng quản lý rủi ro trong các doanh nghiệp để sẵn sàng ứng phó với COVID-19