Nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Trần Văn Tuân - Nguyễn Hải Bằng - TAND cấp cao tại Hà Nội| 10/04/2018 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Khoản 2 Điều 29 Luật Tổ chức TAND thì TAND cấp cao có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, TAND huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền.

Kể từ khi được thành lập đến nay, TAND cấp cao tại Hà Nội đã có nhiều giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng xét xử giám đốc thẩm và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

TANDTC phối hợp với Tòa phá án của Pháp tọa đàm về thủ tục giám đốc thẩm 

Tình hình giải quyết vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Trong năm 2016, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận 7.475 đơn (vụ) có nội dung đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, sau khi phân loại, xử lý đã thụ lý 1.984 đơn (vụ), còn lại là các đơn trùng lặp, không thuộc thẩm quyền… Đã giải quyết được 1.141 đơn (vụ) các loại. Trong số này đã kháng nghị 103 vụ; thông báo không có căn cứ kháng nghị (trả lời đơn) và xử lý khác 923 đơn (vụ). Đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm 184/254 vụ. Năm 2017, TAND cấp cao tại Hà Nội phải xử lý 12.828 đơn có nội dung đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; sau khi phân loại đã thụ lý 2.390 đơn (vụ); đã giải quyết được 1.725 đơn (vụ), cụ thể: kháng nghị 391 vụ; trả lời đơn và xử lý khác 1.334 vụ; đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm được 447 vụ.

Như vậy, trong những năm đầu mới được thành lập nhưng TAND cấp cao tại Hà Nội đã giải quyết và xét xử được số lượng lớn các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm nhiều và có xu hướng ngày càng tăng nên tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.

Để nâng cao chất lượng và số lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa TAND cấp cao với TAND địa phương thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ. Bởi lẽ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định về việc TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án TAND cấp cao xem xét, kháng nghị theo thẩm quyền. Như vậy, mặc dù Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và pháp luật tố tụng không còn quy định Chánh án TAND tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án quận, huyện trong phạm vi địa giới hành chính, nhưng có nhiệm vụ kiểm tra và kiến nghị giám đốc thẩm. Mặt khác, TAND cấp tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra và kiến nghị không chỉ giúp TAND cấp cao thực hiện tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm mà còn góp phần tích cực để thực hiện nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án ở địa phương và là một phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng của Chánh án TAND cấp tỉnh với TAND cấp huyện. Thực tiễn công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND cấp cao hiện nay cần phải tăng cường phối hợp với TAND địa phương, đặc biệt với TAND cấp tỉnh mới nâng cao được số lượng, chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm và công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trong hai năm 2015-2016, TAND cấp cao tại Hà Nội nhận được nhiều kiến nghị giám đốc thẩm của các Tòa án địa phương (một số Tòa án địa phương rất tích cực kiến nghị như TAND TP. Hà Nội, TAND tỉnh Bắc Giang). Điều này đã góp phần quan trọng để TAND cấp cao kịp thời giải quyết, khắc phục những thiếu sót, bất cập của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, góp phần sớm kết thúc vụ án, tạo niềm tin của nhân dân vào hoạt động của Tòa án.  Tuy nhiên, thời gian gần đây, số vụ việc do Tòa án địa phương kiến nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm có xu hướng giảm đi nhiều, thay vào đó số vụ việc do cơ quan Thi hành án kiến nghị có xu hướng tăng lên.

Thực tiễn khi xem xét các vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với từng loại án luôn cần sự phối hợp của Tòa án địa phương để kiểm tra, xác minh qua đó đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, phù hợp với thực tế và có sức thuyết phục.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa TAND cấp cao tại Hà Nội với Tòa án địa phương trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm không chỉ đơn thuần là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật tố tụng mà còn xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn giải quyết các loại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Những giải pháp cụ thể

Để thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp nêu trên, theo chúng tôi, các Tòa án địa phương cần phối hợp thực hiện tốt một số nội dung sau:

Các Tòa án địa phương, nhất là TAND cấp tỉnh cần chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và kiến nghị giám đốc thẩm, tổ chức kiểm tra theo định kỳ hoặc theo chuyên đề nhằm kịp thời phát hiện, sửa chữa những thiếu sót của bản án, quyết định của Tòa án hoặc kiến nghị kháng nghị.

Khi nhận được các yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ, kiểm tra thực địa, hòa giải của TAND cấp cao thì cần khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả để TAND cấp cao giải quyết vụ án được chính xác.

Đối với TAND cấp cao tại Hà Nội cần tập trung thực hiện nhiệm vụ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trên cơ sở đã được bổ sung tương đối đầy đủ số lượng Thẩm phán cao cấp, nên các Thẩm phán là thành viên Ủy ban Thẩm phán được phân công chủ yếu làm nhiệm vụ giám đốc thẩm. Các thành viên Ủy ban Thẩm phán, nhất là Chánh tòa các Tòa chuyên trách khi tham gia tổ xét đơn nếu phát hiện bản án, quyết định của Tòa án địa phương có sai sót như tuyên án không rõ ràng, sơ đồ nhà đất không đúng thực tế, bỏ lọt tài sản là các công trình xây dựng trên đất tranh chấp nhưng giá trị các công trình không lớn, hoặc di dời được… thì không nên đề xuất kháng nghị ngay mà cần chủ động trao đổi, phối hợp hoặc báo cáo với Chánh án để trao đổi, phối hợp với Tòa án địa phương để kiểm tra thực tế và tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa những thiếu sót của bản án, quyết định đã có hiệu lực nhằm sớm kết thúc vụ án, ổn định đời sống của các đương sự.

Đối với những bản án, quyết định của Tòa án địa phương tuy có sai sót nhưng chênh lệch giá trị tài sản không lớn thì cần chủ động, tích cực hòa giải hoặc phối hợp với Tòa án địa phương hòa giải giữa các đương sự để sớm kết thúc vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự, nhất là trong tình hình hiện nay, Chánh án TANDTC xác định tăng cường hòa giải là một trong 14 giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử.

Đối với các Phòng giám đốc kiểm tra, các Thẩm tra viên khi được phân công nghiên cứu các kiến nghị giám đốc thẩm của các Tòa án địa phương, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất ý kiến báo cáo lãnh đạo TAND cấp cao xem xét, quyết định bảo đảm đúng quy trình, đúng thời hạn theo Quy chế giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm số 625/QĐ-CA ngày 6/9/2016 của Chánh án TANDTC. Khắc phục triệt để tình trạng chậm trả lời kiến nghị của Tòa án địa phương và các cơ quan chức năng.

Trên đây là một số ý kiến nảy sinh từ thực tiễn giải quyết đơn và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND cấp cao tại Hà Nội, theo chúng tôi có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao số lượng, chất lượng xem xét các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm