Để nâng cao hơn nữa chất lượng giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC tiếp tục hoàn thiện quy trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho phù hợp với Luật Tổ chức TAND năm 2014.
TANDTC sẽ phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, đồng thời xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến tích cực
Theo quy định của pháp luật, Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử gồm sơ thẩm và phúc thẩm. Nguyên tắc xét xử này có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xét xử của Tòa án, bảo đảm cho các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được thi hành. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác của các bản án, quyết định của Tòa án, pháp luật cũng có quy định về chế định giám đốc thẩm, tái thẩm để kiểm tra, phát hiện và khắc phục những thiếu sót của các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhằm đảm bảo pháp chế XHCN, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Trước ngày 1/6/2015, theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 và các quy định của pháp luật thì TANDTC có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa phúc thẩm TANDTC. Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động thuộc TANDTC có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh. TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp quận, huyện.
TANDTC phối hợp với Tòa phá án của Pháp tọa đàm về thủ tục giám đốc thẩm
Trong những năm qua, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC, các Tòa chuyên trách TANDTC và TAND cấp tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; các vụ việc bức xúc đều được quan tâm giải quyết nhanh chóng. Đối với các vụ án có quyết định tạm hoãn thi hành án đều được giải quyết trong thời gian theo quy định của pháp luật; những vụ việc được các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội... quan tâm có ý kiến hoặc chuyển đơn đều được các Tòa án khẩn trương xem xét giải quyết.
Thông qua công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã kịp thời phát hiện những sai sót trong quá trình giải quyết, xét xử của Tòa án cấp dưới; những vấn đề bất cập trong các quy định của pháp luật đều kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn pháp luật cho phù hợp. Các phán quyết trong quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có chấp nhận kháng nghị hay không chấp nhận kháng nghị đều nhằm mục đích hướng dẫn áp dụng đúng pháp luật trong việc giải quyết vụ án. Do đó, các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đặc biệt là các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngoài việc giải quyết những vụ án cụ thể còn là văn bản có tính chất hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong hệ thống TAND nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.
Tiếp tục hoàn thiện quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Từ ngày 1/6/2015, theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì hệ thống TAND được tổ chức thành 4 cấp gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Theo quy định mới, chức năng nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ có ở TANDTC và TAND cấp cao. Theo đó, TANDTC có nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. TAND cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC tiếp tục hoàn thiện quy trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho phù hợp với Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo hướng nâng cao vai trò chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao nhằm giảm bớt số lượng các vụ án phải giám đốc thẩm, tái thẩm ở TANDTC. Hiện nay, TANDTC đã thành lập Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính (Vụ Giám đốc kiểm tra I); Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại (Vụ Giám đốc kiểm tra II); Vụ Giám đốc, kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Giám đốc kiểm tra III). Đối với TAND cấp cao thì tại Tòa chuyên trách cũng thành lập đơn vị chuyên trách giám đốc thẩm, tái thẩm để tiếp nhận thụ lý, giải quyết đơn được nhanh gọn kịp thời, khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng, ảnh hưởng đến việc giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó, TANDTC tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này tại TANDTC cũng như TAND cấp cao.
Hiện tại, các quy định của pháp luật hiện hành chưa được đầy đủ, tính ổn định không cao, hoặc có những quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo nhau mà chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, giải thích, hướng dẫn nhất là pháp luật về đất đai, đây là một trở ngại lớn cho việc ổn định các quan hệ dân sự nói chung và việc giải quyết đơn đề nghị giảm đốc thẩm, tái thẩm nói riêng. Để khắc phục tình trạnh này, TANDTC sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, đồng thời xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Song song đó, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là cần sửa đổi bổ sung các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự và các luật liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý để TAND các cấp có cơ sở pháp lý chắc chắn để giải quyết, xét xử các loại vụ án nhằm đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.