Phóng viên Nelufar Hedayat đã tới Việt Nam trong một chuyến điều tra về nạn buôn bán thịt chó. Mặc dù đã được chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng cô thực sự sốc. Những điều cô được chứng kiến tại Việt Nam nằm ngoài sức tưởng tượng của cô.
Tạp chí Mirror hôm qua đã đưa một bài viết của phóng viên Nelufar Hedayat về nạn buôn bán thịt chó và trộm chó tại Việt Nam. Nelufar Hedayat đã trực tiếp sang Việt Nam để thực hiện một bộ phim tài liệu về đề tài này. Cô thực sự sốc với những gì được chứng kiến. Dưới đây là những chia sẻ của Nelufar Hedayat.
Tôi không thể quên được những cảnh khủng khiếp khi những con chó bị ép ăn tại một trong những thị trường chó lớn nhất ở Miền Bắc Việt Nam, làng Sơn Động. Trong một căn phòng, mùi của những con chó bốc ra nồng nặc, rác rưởi tràn ngập kèm theo tiếng sủa của hàng trăm con chó chen chúc trong 1 cái lồng kim loại lớn. Những chú chó nằm trên mặt sàn ẩm ướt, bẩn thỉu, nôn cả ra gạo và cơm.
Mùi của những con chó bốc ra nồng nặc, rác rưởi tràn ngập
Gọi nó là một ngôi nhà kinh hoàng sẽ không quá lời. Nhưng điều này là thực tế đang diễn ra trong ngành công nghiệp thịt chó ở Việt Nam, nơi hàng ngàn con chó bị ép ăn để tăng trọng lượng, do đó giá trị của chúng khi bán ra thị trường sẽ cao hơn rất nhiều.
Sau khi tóm vào họng một con chó, 4 người đàn ông lôi nó ra phía một cái máy kỳ dị ở phía cuối của căn phòng. Một người trong số họ gắn một ống nhỏ vào xô gạo rồi ấn đầu còn lại của ống vào họng con chó. Trong khi đó, một người đàn ông khác nhấn máy bơm để đẩy gạo vào dạ dày con vật. Chúng gào lên trong đau đớn, nôn, thậm chí còn ị cả ra sàn.
Tôi đã chứng kiến cảnh tượng này vài lần, và những cảnh tượng như thế diễn ra với hàng trăm con chó mỗi ngày. Tôi có hỏi ông chủ ở đây, liệu rằng họ có làm chúng đau không. Ông ta quả quyết “không, không đau, không sao”.
Tôi chắc chắn rằng một số những con chó bị ép ăn trong căn phòng kinh hoàng đó từng là vật nuôi của người dân.
Tại Hà Nội, tôi đã nói chuyện với hai tên trộm ngay khi chúng ăn cắp chó vào ban đêm trong một ngôi làng. Họ nói với tôi thị trường chó đang rất sôi động, các băng nhóm ăn trộm luôn lảng vảng ở những ngôi làng của Việt Nam chờ cơ hội. Một trong số họ nói với tôi: “Tôi đã làm việc này 7 năm qua, tôi đã đánh cắp khoảng 3.000 con chó, lớn và nhỏ".
Một người đàn ông tên Đặng, hiện đang sống tại Nghệ An, nhốt con chó của mình trong một cái lồng để ngăn chặn nó bị đánh cắp và nói với tôi: " Những nhà nuôi chó dọc theo con đường này, nếu không giữ cẩn thận sẽ mất ngay”.
Thói quen ăn thịt chó ở Việt Nam đã tạo ra một thị trường chợ đen khổng lồ. Những kẻ bất lương sẵn sàng bắt trộm hàng ngàn con chó để đáp ứng nhu cầu của thị trường béo bở và kiếm siêu lời. Thói quen này càng ngày càng phổ biến hơn. Việt Nam đã phát triển kinh tế nhanh chóng trên bờ vực của nạn đói 30 năm trước. Bây giờ họ có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho thực phẩm, đi ra ngoài và tiệc tùng, thịt chó hoàn toàn phù hợp với văn hóa đó.
Bất kỳ ngày lễ kỷ niệm và đặc biệt là ngày cuối cùng của tháng âm lịch sẽ có nhiều bữa thịt chó được diễn ra tại nhà hàng. Nhưng những người thưởng thức liệu có biết món thịt của họ đến từ đâu? "Chúng tôi không biết, nhưng chúng tôi không quan tâm", một nhóm các thực khách tuổi teen nói với tôi "Chúng tôi chỉ quan tâm đến mùi vị của món ăn, chúng tôi thích thịt chó" cậu ta nói và người bạn thân của cậu gật đầu ra vẻ đồng ý.
Những thực khách thưởng thức không cần quan tâm những con chó được mang đến từ đâu
Không những ở Việt Nam, món thịt chó còn được yêu thích ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines và Trung Quốc. Một trong nhiều lý do khác để người ta ăn món này là ăn thịt chó giúp họ giải đen, may mắn hơn, tăng sức mạnh tình dục nam giới.
Suốt 6 tháng qua, Quỹ Soi Dog, một tổ chức bảo vệ chó ở Thái Lan, đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để ngăn chặn những kẻ trộm và buôn chó, đồng thời cắt tuyến đường mà chúng sử dụng để vận chuyển chó.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Trước đây, dân buôn chó thường vận chuyển hàng trăm nghìn con chó từ Thái Lan. Chúng bị bỏ đói trong nhiều ngày và chỉ được ăn, uống khi tới Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Điều đó làm nảy sinh những băng nhóm trộm chó vì chúng mang lại lợi nhuận hàng triệu cho mỗi đêm “làm việc”. Người ta ước tính, hàng năm có tới hàng triệu con chó được nuôi. Nhưng số lượng bị đánh cắp không hề nhỏ.
Những xe tải chở chó tại Hà Nội chở những chiếc lồng sắt chồng lên nhau. Những con chó bị nhồi nhét chật cứng trong những chiếc lồng. Chúng được mang về những lò giết mổ vài ngày, sau đó bị giết thịt trong lò mổ, thậm chí ngay trước cửa những nhà hàng ven đường.
Không có quy định về sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm cho việc giết mổ chó. Ở lò mổ tôi xem họ lôi một con chó ra và đánh vào đầu nó trước khi cắt vào cổ họng của nó.
Những con chó bị nhồi nhét vào những lồng sắt
Tôi đã chuẩn bị cho mình tinh thần. Tôi biết những gì tôi được chứng kiến sẽ là rất tàn bạo và gây sốc. Nhưng những gì tôi thấy vượt quá những gì tôi tưởng tượng.
Khi vào một chợ ở Hà Nội, tôi thấy những khu nhốt chó với khoảng 500 con chó bên trong. Dân buôn sẽ cân chúng trước khi nhốt vào các lồng chật chội. Trong những ngày cao điểm, số lượng chó ở đây có thể lên tới hơn 2.000 con. Chỉ trong một ngày bảy tấn chó sống sẽ được vận chuyển đến Hà Nội cho các lò giết mổ và nhà hàng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, trộm cắp con chó không phải là một tội ác, tội trộm chó chỉ bị phạt tiền khoảng 2 triệu đồng (số tiền này tương đương với số tiền tên trộm chó có thể có được trong 1 đêm).
Điều này làm cho tình trạng trộm ngày càng gia tăng, thậm chí trang bị súng gây choáng và dao phay sản xuất trong nước để đánh trả lại người dân khi bị phát hiện.
Nhiều vụ đánh hội đồng đã xảy ra khi những người dân nuôi chó bị mất vật nuôi của mình và phản ứng trở lại những tên trộm chó liều lĩnh, đã được báo chí Việt Nam đưa tin. Tại một làng ở miền Trung, 68 người cùng nhận tội giết hai kẻ trộm chó. Họ nói chúng đã bắt hơn 300 con chó của làng trong vòng một năm.
Tôi không phản đối những người ăn thịt chó, bộ phim của tôi cũng không có mục đích đó. Đơn giản những gì tôi biết là một thế giới tàn bạo vô luật pháp khi nói đến thịt chó ở Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, sau khi xem bộ phim tài liệu của tôi, người dân, các tổ chức nhân đạo và chính quyền sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để ngăn chặn hay giảm bớt sự tàn bạo mà những con chó phải chịu đựng trước khi chết.
* Bộ phim tài liệu của Nelufar Hedayat sẽ được phát trên kênh Channel 4.