Nam sinh 16 tuổi suýt mù sau 3 tháng tự ý nhỏ thuốc điều trị mắt

Thảo Nguyên| 13/03/2019 14:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được chẩn đoán viêm kết mạc, sau khi hết đợt điều trị, nam sinh 16 tuổi đã tự ý mua thuốc điều trị tiếp và nhỏ ròng rã suốt 3 tháng trời.

Ngày 13/3, TS.BS Vũ Anh Tuấn - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 16 tuổi (ở Kim Thành, Hải Dương) trong tình trạng 2 mắt gần như mù khi thị lực giảm sâu chỉ còn nhìn thấy bóng tay.

Theo lời kể của người nhà, trước đó bệnh nhân được chẩn đoán viêm kết mạc, sau khi hết đợt điều trị, bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị tiếp. Sau mỗi lần nhỏ thuốc, bệnh nhân cảm thấy mắt rất dễ chịu nên cũng nhỏ thuốc nhiều lần hơn. Suốt hơn 3 tháng, ngày nào cũng nhỏ mắt 3-4 lần.

Tuy nhiên, cách đây ít ngày, cả 2 mắt của bệnh nhân bỗng nhiên nhìn mờ và hầu như không nhìn thấy gì nữa, buộc phải nghỉ học và mọi sinh hoạt phải có người thân trợ giúp.

Nam sinh 16 tuổi suýt mù sau 3 tháng tự ý nhỏ thuốc điều trị mắt

Ảnh minh họa

Tại bệnh viện, bác sĩ đo thị lực thì nam bệnh nhân chỉ nhìn thấy bóng tay mà không nhìn rõ các ngón tay. Nhãn áp tăng lên cao mắt trái 56 mmhg, mắt phải 50 mmhg, đáy mắt lõm gai hoàn toàn, giác mạc bị phù nề 2 bên, đồng tử 2 bên giãn nhẹ, phản xạ ánh sáng chậm. Bệnh nhân được chẩn đoán bị mù do mắc bệnh glôcôm.

Bác sĩ đã phải dùng các loại thuốc trị mắt tăng cường ở phác đồ cao nhất sau thời gian điều trị thì nhãn áp giảm về 26 – 30 mmhg đây vẫn là cao.

Theo BS Tuấn, trường hợp người trẻ mắc bệnh lý này thường do lạm dụng thuốc chứa corticoid thuốc nhỏ mắt hoặc do có bệnh lý di truyền. Với trường hợp nam bệnh nhân nói trên, việc nhỏ thuốc kéo dài, không có chỉ dẫn của bác sĩ đã khiến bệnh nhân bị mù. Bệnh nhân được phẫu thuật mắt trái tuy nhiên khả năng thị lực bệnh nhân hồi phục như bình thường là không thể.

Đến thời điểm này, 4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ có thể nhìn thấy bóng tay mờ mờ. Việc phẫu thuật này chỉ giúp bệnh nhân hồi phục một phần thị lực và có thể tự đi lại, sinh hoạt trong gia đình.

Trường hợp trên một lần nữa cảnh báo về việc người dân đang quá lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc. Đây là một trong những nguyên nhân điển hình dẫn tới căn bệnh glôcôm.

BS Tuấn cũng thông tin, tại Bệnh viện Mắt trung ương, các bác sĩ cũng điều trị cho một thiếu nữ mắc bệnh glôcôm đã ở giai đoạn gần mù, phẫu thuật không thể giúp lấy lại được thị lực. Các bác sĩ chỉ có thể phẫu thuật điều chỉnh nhãn áp để tình trạng mắt không nặng hơn. May mắn nhãn áp của cô gái trẻ đã được khống chế, mắt hết đau nhức nhưng thị lực chỉ còn đủ để đếm ngón tay.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới năm 2010 thế giới có 60,5 triệu người bị glôcôm, dự kiến năm 2020 có 79,5 triệu và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này. Hiện nay, glôcôm đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ 2 gây mù trên thế giới.

Nước ta ước tính có khoảng 700.000 người mắc bệnh lý này. Các chuyên gia cảnh báo, ai cũng có nguy cơ mắc glôcôm. Tuy nhiên, người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm, dùng corticoid kéo dài… thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Để phòng tránh mù lòa do glôcôm, người dân cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam sinh 16 tuổi suýt mù sau 3 tháng tự ý nhỏ thuốc điều trị mắt