Chiều tối 14/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, do ảnh hưởng của bão số 7, hai đoạn mái kè đê biển thuộc địa bàn huyện Hải Hậu đã bị sập, sạt, với tổng diện tích các hố võng là 278m².
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã phối hợp UBND huyện Hải Hậu chỉ đạo các đơn vị tiến hành xử lý sự cố thời gian đầu bằng cách trải vải lọc, xếp rọ thép đựng đá phủ lên trên các hố võng, sạt; liên kết các rọ lại với nhau bằng dây thép buộc chặt.
Khi triều kiệt, sẽ tiến hành tháo dỡ rọ đá, các cấu kiện bị võng, sập, sạt, sau đó đắp bù đất thịt, trải vải địa kỹ thuật, rải đá dăm lót, tận dụng cấu trúc cũ lát lại mái kè. Qua rà soát, Nam Định dự kiến khoản kinh phí 24 tỷ đồng, tu sửa khẩn cấp những hạng mục công trình đã hư hại trên các tuyến đê biển, đê bối, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, tỉnh Nam Định cũng đã có công điện khẩn về việc triển khai các biện pháp ứng phó bão, đồng thời thực hiện cấm biển từ 19h ngày 13/10 để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.
Theo đó, Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các sở, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 1393/CĐ-TTg ngày 12/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới, Công điện số 24/CĐ-TW ngày 12/10/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Công điện số 05/CĐ-PCTT ngày 12/10/2020 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định; đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện ven biển giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú đảm bảo an toàn.
Gia cố kè đê biển tại Nam Định (ảnh Báo Nhân dân)
Thực hiện cấm biển từ 19 giờ ngày 13/10/2020; cấm các hoạt động vui chơi giải trí tại các khu du lịch ven biển và yêu cầu người dân di dời khỏi chòi canh vây vạng vào bờ trước 7 giờ ngày 14/10/2020. Cảng vụ Hàng Hải Nam Định chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành liên quan hướng dẫn các loại tàu tải trọng lớn không vào được các cảng, khu neo đậu của tỉnh, phải vào sâu phía trong dòng sông để trú ẩn hoặc di chuyển đến các cảng lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Công điện cũng yêu cầu chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin kịp thời tới người dân về diễn biến của bão, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, tránh bão; Khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện để thu hoạch nhanh lúa mùa; Phối hợp chặt chẽ với các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt việc tiêu rút, điều tiết nước ruộng, nhất là ở vùng trũng thấp, vùng có khả năng tiêu nước kém bảo vệ sản xuất, cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa chưa đến thời kỳ thu hoạch, rau màu vụ đông. Hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại các nhà yếu, nhà tạm; khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi có lệnh; Có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão; Tổng kiểm tra toàn tuyến đê điều trên địa bàn, có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở; Triển khai việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở; tháo dỡ biển quảng cáo; cắt tỉa cành cây để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh tán cây; triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai ngay các phương án xử lý giờ đầu đối với những đoạn đê, kè xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở; nắm chắc tình hình mưa bão, tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.