Nhiều năm ròng rã gia đình ông Nguyễn Hữu Chỉnh, thương binh chống Mỹ (mất 64% sức khỏe) tại xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định vẫn kiên trì “cõng” đơn đi tìm công lý.
Báo Công lý nhận được đơn tố cáo của bà Đỗ Thị Hảo xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có chồng là ông Nguyễn Hữu Chỉnh sinh năm 1954 là thương binh mất sức lao động 64% trong kháng chiến chống Mỹ. Đơn tố cáo ông Phạm Văn Rược, công chức văn hóa xã hội làm công tác Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) tại xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định có hành vi giả mạo giấy tờ, chữ ký của ông Chỉnh và bà Hảo chiếm đoạt hơn mười triệu đồng tiền Nhà nước hỗ trợ cho gia đình bà.
Hành trình đi tìm công lý
Bà Hảo cho rằng: “ Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo giấy tờ ủy quyền, chữ ký và chữ viết của vợ chồng tôi, ông Phạm Văn Rược đã chiếm đoạt tổng số tiền là 14.460.000đ của gia đình tôi. Chúng tôi chưa bao giờ ủy quyền cho ông Rược lĩnh bất kỳ khoản tiền nào và tất cả những chữ ký nhận tiền tại phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu đều không phải của tôi.”
Các khoản tiền bị chiếm đoạt cụ thể như sau: Tiền ưu đãi giáo dục năm học 2009 – 2010 của cháu Nguyễn Ngọc Nghĩa là 8.860.000đ; Tiền miễn giảm học phí năm học 2011-2012 là 3.800.000đ; Tiền điều dưỡng của ông Chỉnh từ năm 2010 và năm 2013 với tổng số tiền là 1.800.000đ.
Ngày 24/8/2015, ông Chỉnh và bà Hảo có đơn gửi sở LĐTBXH tỉnh Nam Định đề nghị làm rõ sự việc trên để gia đình ông bà được nhận các khoản trợ cấp của nhà nước đối với gia đình chính sách. Sau nhiều buổi làm việc với phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu, UBND xã Hải Trung ông Chỉnh và bà Hảo cương quyết khẳng định chưa nhận được các khoản tiền trên và chữ ký nhận tiền cũng như giấy ủy quyền đều không phải của ông bà.
Báo cáo kết luận xác minh đơn của bà Đỗ Thị Hảo ngày 31/3/2016 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ngày 31/3/2016, trong báo cáo kết luận xác minh đơn của bà Đỗ Thị Hảo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu có nêu: “Số tiền ưu đãi giáo dục năm học 2009 – 2010 của cháu Nguyễn Ngọc Nghĩa 8.860.000đ do bà Đỗ Thị Hảo ký nhận tiền trực tiếp tại Phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu. Số tiền miễn giảm học phí năm học 2011-2012 của Nguyễn Ngọc Nghĩa là 3.800.000đ, Phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu giao cho UBND xã Hải Trung chi trả, UBND xã Hải Trung đã chi trả số tiền trên cho bà Hảo và lập giấy tờ thanh toán theo đúng quy định”.
Đối với số tiền điều dưỡng của ông Chỉnh từ năm 2010 và năm 2013 với tổng số tiền là 1.800.000đ thì tiền điều dưỡng năm 2010 là 700.000đ, bà Hảo đã ký nhận tiền trực tiếp tại phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu. Tiền điều dưỡng năm 2013 là 1.110.000đ, phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu đã chi trả hết số tiền trên qua UBND xã Hải Trung do ông Phạm Văn Rược ký nhận. Toàn bộ số tiền 1.110.000đ này ông Rược chi trả không đúng quy định.
Qua nhiều năm gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng của huyện Hải Hậu và tỉnh Nam Định nhằm lấy lại công bằng cho gia đình, ngày 04/04/2017, ông Phạm Văn Rược đã thừa nhận việc chi trả số tiền điều dưỡng cho ông Chỉnh năm 2013 là không đúng người, chi trả không đúng theo quy định và bồi thường cho gia đình số tiền 1.100.000đ, còn những khoản tiền còn lại ông Rược cho rằng gia đình bà Hảo đã ký nhận đầy đủ.
Ngày 15/8/2017, ông Nguyễn Ngọc Toản, Chủ tịch UBND xã Hải Trung báo cáo hành vi phạm của công chức xã (ông Phạm Văn Rược)
Không đồng tình với kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Hải Hậu, bà Hảo tiếp tục làm đơn gửi Công an huyện Hải Hậu yêu cầu giám định lại chữ viết, chữ ký trong các giấy ủy quyền lĩnh tiền và các chữ ký, chữ viết của người nhận tiền với chữ ký và chữ viết của vợ chồng bà.
Bà Hảo khẳng định: “Trước đó, khi trưng cầu giám định chữ viết và chữ ký của tôi Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu đã không trực tiếp lấy chữ ký và chữ viết của hai vợ chồng tôi để giám định mà chỉ lấy mẫu tại giấy tờ thanh quyết toán giả mạo do ông Rược và phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu cung cấp là không khách quan, không đúng quy định pháp luật”.
“Kết luận này không trung thực, không chính xác và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi và danh dự của gia đình tôi, gia đình người có công với cách mạng. Do đó tôi đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu hủy bỏ kết luận giám định số 848/GĐKTHS ngày 24/12/2015 và thực hiện trưng cầu giám định chữ viết và chữ ký khách quan, trung thực, trực tiếp từ chữ ký và chữ viết từ tay chúng tôi với giấy tờ thanh quyết toán và giấy ủy quyền được lưu giữ tại phòng LĐTBXH huyện Hải Hậu, theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hảo bức xúc.
Công chức vừa bị kỷ luật lại tùy tiện nghỉ việc
Nhằm làm rõ nội dung đơn tố cáo của gia đình người có công với cách mạng, 9h ngày 01/3/2018, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Toản, Chủ tịch UBND xã Hải Trung. Ông Toản cho biết vụ việc đã diễn ra từ lâu, và ông đã mất rất nhiều thời gian để giải quyết đơn tố cáo của bà Hảo. Mới đây, chỉ vì phải kỷ luật ông Phạm Văn Rược – Công chức xã đã làm mất hết thi đua của xã vì có công chức bị kỷ luật.
Quyết định về việc Kỷ luật công chức xã số 3583/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu đối với ông Phạm Văn Rược, công chức Văn hóa – Xã hội làm công tác LĐTBXH xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
Được biết, ngày 08/6/2017, ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu đã ban hành Quyết định về việc kỷ luật công chức xã số 3583/QĐ-UBND đối với ông Phạm Văn Rược, công chức Văn hóa – Xã hội làm công tác LĐTBXH xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông Phạm Văn Rược chịu hình thức kỷ luật “Khiển trách” vì đã có hành vi vi phạm: “Không chi trả chế độ trực tiếp đến đối tượng người có công với cách mạng theo nguyên tắc chi trả”.
Khi PV đề nghị ông Toản cho gặp ông Phạm Văn Rược để có thêm thông tin khách quan về vụ việc trên. Ông Toản vui vẻ đồng ý và cho biết ông Rược đang ở UBND xã. Ông Toản gọi điện thoại cho ông Rược để trao đổi về đề nghị của PV. Tuy nhiên ông Rược cho biết, ông đang bận đi ăn giỗ họ, không có ở cơ quan nên không làm việc với PV được.
Bất ngờ hơn nữa, 14h40 phút cùng ngày PV gọi điện cho ông Toản để đề nghị được gặp ông Rược làm việc thì ông Toản cho biết ông sẽ gọi lại vì không biết ông Rược đã đến cơ quan chưa vì thường là giỗ họ sẽ nghỉ cả ngày vì phong tục địa phương là thế. Đến khi PV thắc mắc ông Rược nghỉ cả ngày để ăn giỗ có xin phép không mà ông Toản không hay biết? Ông Toản cho rằng: “công chức ở quê mà, chỉ cần báo qua điện thoại như lúc sáng ông gọi cho ông Rược là coi như đã xin phép nghỉ việc rồi và hẹn PV sẽ làm việc vào hôm khác”.
Đơn thư tố cáo của gia đình người có công cách mạng đối với ông Phạm Văn Rược đúng sai thế nào sẽ được các cơ quan chức năng sau này làm rõ. Song nhìn vào cung cách làm việc của ông Rược ngày 01/3/2018 vừa qua, dư luận không khỏi bức xúc và nghi ngại về tinh thần trách nhiệm của một công chức vừa bị kỷ luật đang được hưởng lương ngân sách Nhà nước mà ngay trong giờ làm việc lại tự ý nghỉ việc liệu có hoàn thành nhiệm vụ của một công chức?
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.