Năm 2022, tập trung kiểm toán các chuyên đề; các chính sách liên quan đến nợ công

Nguyên Bình| 14/09/2021 20:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước.

ubtvqh-.jpg

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 93 Điều

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang tạo ra tài sản này. Trong khi đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

bo-khcn.jpg

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại phiên họp sáng nay 14/9.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ 1 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành với các lý do đã nêu trong Tờ trình. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng không nhất trí với đề xuất đổi tên gọi dự án Luật của Chính phủ. Bởi 7 chính sách tại dự thảo Luật lần này đã được thể hiện trong hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ khi đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Lý do đề nghị đổi tên là “việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với nhiều nội dung và số lượng điều lớn sẽ dẫn đến những bất cập nhất định trong tuyên truyền, phổ biến, thi hành và áp dụng pháp luật” là không thuyết phục vì chất lượng thi hành, áp dụng pháp luật phụ thuộc vào công tác tổ chức thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ được hợp nhất theo quy định do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sẽ không có vướng mắc.

Về giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, dự thảo Luật quy định quyền sao chép tại các Điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật hiện hành theo hướng quy định một số trường hợp đặc biệt không được thực hiện.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các quy định này chưa thể hiện đầy đủ quy định về giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của Công ước Berne, Hiệp định TRIPs, Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nói chung, quy định về giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đều có tính chất phức tạp, liên quan đến các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học với từng điều khoản cụ thể, để hoàn thiện các quy định về nội dung này, cũng như với toàn bộ dự thảo Luật.

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí cần giữ nguyên tên gọi của dự án Luật như chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã tốt hơn rất nhiều so với lần trước; chất lượng dự án Luật được bảo đảm và cân hoàn thiện hơn nữa trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai tới.

Một số nội dung cần tập trung kiểm toán năm 2022

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của kiểm toán nhà nước (KTNN), Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và đạt được những kết quả tích cực.

vuong-hue-ok(1).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của KTBB, còn có những tồn tại, hạn chế mà KTNN cần khắc phục.

Cụ thể: Về riển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách, pháp luật của nhà nước, đề nghị KTNN cần lưu ý xây dựng và ban hành Kế hoạch này đúng thời gian theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, làm căn cứ triển khai nhiệm vụ của KTNN ngay từ những tháng đầu năm. Việc ban hành các văn bản đạt tỷ lệ khá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra, KTNN cần báo cáo rõ lý do việc chậm ban hành các văn bản theo kế hoạch, trong đó lưu ý báo cáo rõ việc rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi một số điều của Luật KTNN năm 2019.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị KTNN cần khẩn trương xây dựng, ban hành ngay từ đầu năm các giải pháp, phân công, xác định lộ trình cụ thể để thực hiện thành công các phương hướng, nhiệm vụ này trong năm 2022. Trong đó, lưu ý bổ sung dự báo tình hình năm 2022, đặc biệt là các yếu tố tác động như dịch bệnh Covid-19, xây dựng các kịch bản tổ chức thực hiện kế hoạch KTNN năm 2022.

Xây dựng kế hoạch kiểm toán cụ thể, đặc biệt lưu ý các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để phục vụ chuyên đề giám sát của Quốc hội về: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch được ban hành”, bảo đảm chất lượng và thời gian các chuyên đề giám sát. Tổ chức thực hiện tốt và đầy đủ Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó hoàn thành các nhiệm vụ năm 2022 đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch thực hiện Chiến lược này…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong mục tiêu chung của KTNN 2022 phải đặt tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu; đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; làm rõ cơ cấu và tổng mức của tín dụng; làm rõ việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản; việc sử dụng tồn ngân kho bạc nhà nước để thực hiện hoạt động cho vay; phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Đồng thời, nên chú trọng thêm kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo chống dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm; tập trung nguồn nhân lực, tài lực cho công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành kiểm toán trong năm nay.

duc-hai.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.

Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với mục tiêu định hướng và lĩnh vực KTNN năm 2022, đồng thời lưu ý KTNN cần tập trung kiểm toán các chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn ngân sách nhà nước, kiểm toán phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tăng cường kiểm toán việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ về những vấn đề liên quan đến an toàn nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý các dự án BOT...

Đối với kiểm toán phục vụ 02 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần bám sát kế hoạch, đề cương giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt để xác định nhiệm vụ và kịp thời tổ chức kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán đảm bảo thời gian để Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ giám sát.

Đồng thời có phương thức kiểm toán phù hợp khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đẩy mạnh công nghệ thông tin, cân đối thời gian và lực lượng phù hợp để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, bố trí hợp lý các đoàn kiểm toán tại các địa phương, phối hợp tốt với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để xử lý chồng chéo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, tập trung kiểm toán các chuyên đề; các chính sách liên quan đến nợ công