Năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,08%, thu ngân sách kết quả đáng mừng

27/12/2018 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng thông tin tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 - tháng cuối cùng của năm 2018, diễn ra chiều nay (27/12).

Năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,08%, thu ngân sách kết quả đáng mừng

Quang cảnh phiên họp

Tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 7,08%

Phiên họp diễn ra trước Hội nghị mở rộng Chính phủ và địa phương được tổ chức vào ngày mai (28/12) để bàn về thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2019.

Tại phiên họp, Chính phủ chủ yếu thảo luận về công tác xây dựng thể chế chính sách cũng như rà soát lại các công việc chuẩn bị cho Hội nghị.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng đã thông báo tin vui là tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 7,08%. Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng. 

Điểm lại một số nét chính về kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết, bức tranh toàn cảnh, đầy đủ hơn sẽ được đưa ra tại Hội nghị ngày mai.

Bên cạnh ưu điểm đáng được động viên, Thủ tướng cho rằng, “chúng ta cũng phải phê bình và tự phê bình trong hệ thống của chúng ta”. Theo đó, Thủ tướng nêu lại một số tồn tại, bất cập trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 9 Khóa XII bế mạc hôm qua cũng như nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với ý là “phải tự “sửa mình”, tự thấy mình trong quá trình phát triển đất nước với trách nhiệm chúng ta đang đảm nhận để làm tốt hơn”.

Ví dụ như chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải ngân đầu tư công còn chậm, nhiều vướng mắc song chưa được tháo gỡ khắc phục. “Cái này có cần đưa ra thảo luận ngày mai không? Có phải triền miên bệnh giải ngân chậm không?”, Thủ tướng nói. Kinh tế tư nhân tuy có bước phát triển đáng mừng, đã xuất hiện một số doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh song chưa liên kết, tham gia sâu vào mạng lưới, chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn nên chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế… Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất bờ sông bờ biển nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp toàn diện, căn cơ. Xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc nhất là một số lĩnh vực liên quan đến người dân.

3 Nghị quyết của Trung ương là nền tảng cho thành công

Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận các báo cáo về đề nghị xây dựng một số dự án Luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đề nghị xây dựng Nghị định quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, báo cáo về thời hạn thực hiện quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,08%, thu ngân sách kết quả đáng mừng

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp

Chính phủ cũng nghe, thảo luận về một số báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 3 Nghị quyết của Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05), hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 11), phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 10) và Nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện quyết liệt hơn nữa chương trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, đi liền với đó là kiểm, đôn đốc.

Về thực hiện Nghị quyết 11, theo Thủ tướng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một khái niệm đặc trưng của Việt Nam đã được nghiên cứu, hình thành, phát triển tốt thời gian qua nhưng các loại thị trường chưa phát triển đồng bộ.

Do đó, Thủ tướng nêu rõ, hình thành, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường rất quan trọng mà trong điều hành thì quán triệt tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quy luật giá trị. Thủ tướng nhắc lại công tác kiểm tra, đôn đốc rất quan trọng.

Về thực hiện Nghị quyết 10, Thủ tướng lưu ý, một số địa phương chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển.

Thủ tướng cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về việc phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các địa phương trọng điểm, để thúc đẩy vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh, 3 Nghị quyết nêu trên rất quan trọng, tạo nền tảng cho chúng ta thành công thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27 về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 05 của Trung ương và Nghị quyết 24 của Quốc hội về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.Theo đánh giá sơ bộ, kết quả thực hiện 64 chỉ tiêu định tính và định lượng được đặt ra tại Nghị quyết số 27 và các văn bản liên quan, đến nay có 28,13% mục tiêu dự kiến hoành thành; 40,63% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 31,25% mục tiêu cần có giải pháp thúc đẩy hoàn thành.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực cho khu vực này dần được khơi thông. Dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Đến tháng 9/2018, là 87,35%. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, trong đó có xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Đơn cử, từ tháng 10/2017 - 7/2018, hệ thống trang điện tử của Văn phòng Chính phủ đã chuyển 1.395 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền và có hơn 85% đã được trả lời.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,08%, thu ngân sách kết quả đáng mừng