Năm 2018 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức

Mạnh Nguyễn| 07/01/2018 07:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), năm 2018 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức không hề nhỏ.

Những con số ấn tượng của năm 2017

Năm 2017 đã kết thúc lạc quan với nhiều chỉ số bất ngờ, tăng trưởng GDP ở mức 6,81% cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhiều chỉ tiêu như lạm phát lãi suất tỷ giá, tín dụng, nợ công, bội chi ngân sách đều đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2018 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, GDP năm 2017 tăng 6.81%

Năm 2017 cũng là năm có số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 127 nghìn doanh nghiệp; Kết thúc năm 2017, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chính thức xác lập kỷ lục mới khi đạt mốc 424,87 tỷ USD. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lập đỉnh mới, phá vỡ kỷ lục được thiết lập năm 2016. Với 29,69 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm và 6,19 tỷ USD phần góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn FDI chảy vào nền kinh tế trong năm 2017 đã lên con số 35,88 tỷ USD, trở thành mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, chỉ số VnIndex dừng tại 984,24 điểm và là con số cao nhất đạt được trong vòng 10 năm qua. Cũng trong năm qua, mức tăng trưởng của VnIndex lên tới 48%, qua đó lọt vào top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới, chỉ xếp sau Argentina và Mông Cổ.

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư kinh doanh 2018” diễn ra mới đây, ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng  kết quả kinh tế năm 2017 đã phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của tất cả các thành viên tham gia từ lập chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp. Nền kinh tế có động lực lớn do bộ máy chính trị từ Đảng, Nhà nước cho đến Chính phủ đều đã và đang thực hiện đúng những cam kết của mình, trong đó cam kết quan trọng là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạch, minh bạch chống tham nhũng.

“Như vậy có thể nói động lực lớn nhất là đến từ niềm tin”, ông Đông nói.

Còn theo ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về thành tích của năm 2017, xét về động lực tăng trưởng có 4 ý. Đó là  Việt Nam là kinh tế mở, 2017 kinh tế thế giới chuyển sang tích cực hơn, Việt Nam được lợi hơn; Kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi, tích cực hơn; Đột biến trong sản xuất, xuất khẩu mà người ta hay đề cập đến Samsung và Formosa và cuối cùn là nỗ lực cải cách, đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận, thế giới ghi nhận.

Về động lực từ Chính phủ, ông Võ Trí Thành cho rằng đó là “Chính phủ thể hiện mình, nói, làm bằng được và tin là làm được”.

Cơ hội và thách thức của năm 2018

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cần thận trọng khi đánh giá GDP năm 2017 tăng trưởng 6,81% là một kỳ tích. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm 2017 và vấn đề mà ông Trần Đình Thiên quan tâm hơn lại là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu.

Theo ông Trần Đình Thiên, có một số điểm nhấn của năm 2017 cần tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2018, đó là:

Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Cần bàn lại Luật Đặc khu để ban hành trong tháng 5 này, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất.

Cần có các nghị quyết để giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ngân hàng.

"Đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018, mang đến những chỉ tiêu thành tích" - ông Thiên khẳng định.

Còn theo ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), năm 2018 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức không hề nhỏ. Ông hy vọng những thành tựu kinh tế 2017 sẽ trở thành tiền đề vững chắc cho năm 2018 và tiếp theo.

Để nền kinh tế năm 2018 có thể tiếp tục đà phát triển của năm 2017, theo ông Đặng Huy Đông, cần phải tiếp tục 3 đột phá, nhận diện cho đúng. Cái nào làm được đến đoạn nào, còn làm tiếp bao nhiêu phần trăm nữa phải rõ ra. Chính phủ kiến tạo cần tiếp tục kiểm soát vấn đề chi phí, kết cấu hạ tầng cần tiếp tục làm tiếp. Không thay đổi gì cả. Cải thiện hạ tầng để thay đổi chi phí logistics. Nhà nước cũng không cần làm hạ tầng mà ra chính sách thu hút dòng vốn xã hội. Về thể chế ta làm được khung cơ bản, tạm ổn. Về kinh tế thì phải chuyển sang giai đoạn thực thi đi vào cuộc sống. 2018 có mấy điều ngay từ đầu năm Nghị quyết 01 đã khẳng định luôn.

Ông Đặng Huy Đông cũng khuyên cộng đồng doanh nghiệp nên thông qua các hiệp hội của mình để có những đối thoại về chính sách.

"Cá nhân tôi nhận định rằng đây là thời điểm chúng ta phải đủ bản lĩnh để đưa nền kinh tế tăng tốc. Những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8-9%. Và Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8-9% trong 10 năm" - ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trong đó, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với chính sách tài khóa chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương và các chính sách khác; phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2018 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức