Năm 2017: Sẽ giảm bớt số lượng các trường sư phạm

Hải Vân(TH)| 23/12/2016 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017 sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại các trường sư phạm theo hướng giảm số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trả lời báo chí về những kết quả đã đạt được trong năm 2016 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm 2016 toàn ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả nhất định.

Cụ thể, Bộ đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, năm 2016, ngành giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện như Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30, quy chế đào tạo tiến sĩ hay nghị định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới hứa hẹn tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2016 đã cơ bản khắc phục những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. Có thể nói đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh ĐH năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.

Năm 2016 tiếp tục là một năm thành công của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi Olympic quốc tế khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về huy chương vàng, trong đó có huy chương vàng môn sinh học chúng ta phải chờ đợi 15 năm qua.

Năm 2017: Sẽ giảm bớt số lượng các trường sư phạm

Năm 2017 Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành sư phạm.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều những hạn chế, như việc xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục và đào tạo còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành.

Chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục ĐH, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục ĐH không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Sang năm 2017, ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo, bước sang năm 2017, ngành Giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đối với bậc học mầm non tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Riêng với giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.

Năm 2017, ngành giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Hiện nay, ngành cũng đang triển khai tái cơ cấu các trường sư phạm theo hướng giảm bớt số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020. Đồng thời mở rộng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước như các nguồn ODA, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, các nguồn xã hội hóa... để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2017: Sẽ giảm bớt số lượng các trường sư phạm