Do trái đất quay chậm hơn vì tác động của mặt trăng và hiện tượng thời tiết El Nino, nên các nhà khoa học sẽ thêm một giây vào năm 2016.
Mới đây, đài quan sát thiên văn Hải quân Mỹ thông báo, họ sẽ thêm một giây vào đồng hồ tổng mà họ đang quản lý tại thủ đô Washington vào lúc 23 giờ 59 phút 59 giây hôm 31/12, theo giờ Phối hợp Quốc tế (UTC).
Theo ông Geoff Chester, người đứng đầu cơ quan này cho biết, do tác động của mặt trăng đối với thủy triều, cùng những luồng hải lưu ấm hơn do hiện tượng thời tiết El Nino và vài nguyên nhân khác khiến địa cầu quay chậm hơn trong 2016.
Năm 2016 sẽ dài hơn vì tác động của mặt trăng và hiện tượng El Nino
Trước đây con người thường tính thời gian dựa trên tốc độ quay trung bình của trái đất so với các thiên thể. Nhưng khi đồng hồ nguyên tử ra đời, nó giúp nhân loại có thời gian chính xác hơn nhiều. Đồng hồ nguyên tử chỉ sai một giây trong 500 triệu năm. Đơn vị thời gian "giây" cũng không còn phụ thuộc vào chuyển động xoay của địa cầu nữa.
Cũng từ đó, vào năm 1970, một số thỏa thuận quốc tế được thiết lập, thống nhất quy trình giữa giờ UTC (tính theo đồng hồ nguyên tử) và UT1 (căn cứ vào góc xoay của địa cầu trong vũ trụ).
Cơ quan Quốc tế theo dõi sự tự quay của trái đất và các hệ thống tham chiếu (IERS), sẽ chịu trách nhiệm theo dõi sự chênh lệch giữa UTC và UT1. IERS sẽ quyết định việc thêm hoặc bớt một hoặc nhiều giây khỏi giờ UTC, nếu phát hiện mức chênh lệch giữa chúng lớn hơn 0,9 giây.
Nhiều người nghĩ việc bổ sung thêm giây, có nghĩa là trái đất sẽ ngừng quay sau vài thiên niên kỷ nữa. Song trên thực tế, trái đất không bao giờ ngừng quay và giây bù chỉ là khoảng thời gian chênh lệch giữa hai hệ thống giờ UTC và UT1.