Mỹ vắng mặt trong cuộc họp sáng kiến tăng tốc phát triển thuốc, vắc-xin COVID-19 của WHO

Trâm Anh (theo Reuters)| 25/04/2020 07:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết sẽ đẩy nhanh công việc xét nghiệm, thuốc và vắc-xin chống lại Covid-19 và chia sẻ chúng trên toàn cầu. Mỹ đã không tham gia buổi giới thiệu sáng kiến này của Tổ chức Y tế Thế giới.

Mỹ vắng mặt trong cuộc họp sáng kiến tăng tốc phát triển thuốc, vắc-xin COVID-19 của WHO

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và các nhà lãnh đạo thế giới khác về sự bùng phát của Covid-19 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa là một trong số những người tham gia hội nghị trực tuyến khởi động những gì WHO đã mô tả là “một hợp tác mang tính bước ngoặt của các nhà lãnh đạo để chống lại đại dịch”.

Mục đích của sáng kiến là để tăng tốc độ phát triển các loại thuốc, xét nghiệm và vắc-xin an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị Covid-19, bệnh phổi do virus corona chủng mới gây ra - và đảm bảo có thể tiếp cận điều trị cho cả người giàu lẫn người nghèo.

“Chúng ta đang đối mặt với một mối đe dọa chung mà  chỉ có thể đánh bại bằng một cách cùng nhau hành động”, Tổng Giám đốc WHO  Tedros Adhanom Ghebreyesus nói khi ông mở đầu cuộc họp trực tuyến.

“Kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy rằng ngay cả khi đã có các loại thuốc, chúng vẫn không có đủ cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể cho phép điều đó xảy ra”.

Trong đại dịch cúm lợn năm 2009, đã có những chỉ trích rằng việc phân phối vắc-xin là không công bằng vì các nước giàu có có thể mua nhiều hơn.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng những người cần thuốc có được chúng”, Peter Sands - Giám đốc điều hành của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét - tuyên bố. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ AIDS. Quá nhiều triệu người đã chết trước khi các loại thuốc chống retrovirus được sử dụng rộng rãi.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng mục tiêu của nỗ lực cam kết toàn cầu vào ngày 4 tháng 5 sẽ là tăng 7,5 tỷ euro (8,10 tỷ USD) để đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị.

“Đây mới chỉ là bước đầu tiên, sẽ cần nhiều hơn nữa trong tương lai”, Ursula von der Leyen nói với hội nghị.

Mỹ vắng mặt trong cuộc họp sáng kiến tăng tốc phát triển thuốc, vắc-xin COVID-19 của WHO

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu của nỗ lực cam kết toàn cầu vào ngày 4 tháng 5 sẽ là tăng 7,5 tỷ euro (8,10 tỷ USD) để đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị.

Các nhà lãnh đạo từ châu Á, Trung Đông và châu Mỹ cũng tham gia hội nghị truyền hình, nhưng một số nước lớn đã không tham gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Một phát ngôn viên của phái đoàn Hoa Kỳ tại Geneva trước đó đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ không tham gia. “Mặc dù Hoa Kỳ không tham dự cuộc họp này, nhưng không có nghi ngờ gì về quyết tâm tiếp tục dẫn đầu của chúng tôi về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Covid hiện tại”, ông cho biết.

 

“Chúng tôi vẫn quan tâm sâu sắc đến hiệu quả của WHO, vì những thất bại trước đây của tổ chức này đã thúc đẩy tình trạng tồi tệ của đại dịch hiện nay”, ông cho biết thêm.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cáo buộc WHO chậm chạp trong việc phản ứng trước sự bùng phát và trở thành một “tổ chức của Trung Quốc” và tuyên bố tạm dừng tài trợ cho tổ chức này.

Giám đốc WHO Tedros đã kiên quyết bảo vệ việc xử lý đại dịch của WHO và liên tục cam kết thực hiện đánh giá sau đại dịch, như cơ quan này thực hiện với tất cả các cuộc khủng hoảng khác.

Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa, và Thủ tướng Pedro Sanchez của Tây Ban Nha là những người trong số người lên tiếng ủng hộ WHO.

Tổng thống Macron kêu gọi tất cả các nước G7 và G20 hãy ủng hộ sáng kiến ​​này. Ông nói “Tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể hòa giải Trung Quốc và Hoa Kỳ và cùng thực hiện sáng kiến này, bởi vì đây là cuộc chiến toàn thế giới chống lại Covid-19 và không nên có sự phân chia nếu chúng ta muốn giành được chiến thắng trong trận chiến này”.

Bà Merkel nói: “Việc sản xuất vắc-xin này và phân phối nó ở tất cả các nơi trên thế giới là một lợi ích chung của toàn cầu”.

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cảnh báo rằng lục địa này - với tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe nói chung còn kém - rất dễ bị tổn thương bởi sự tàn phá của virus corona và đang rất cần được hỗ trợ.

Bà Melinda Gates, đồng Chủ tịch của Gates Foundation, nhà tài trợ lớn thứ hai của WHO và là nhà tài trợ cho các nghiên cứu phương pháp chẩn đoán, điều trị và phát triển vắc-xin mới, cho biết: “Chúng tôi có trách nhiệm các loại thuốc được phát triển và đưa vào sử dụng một cách công bằng bởi tất cả các mạng sống đều có giá trị như nhau”.

Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của liên minh vắc-xin GAVI, một quan hệ đối tác công-tư dẫn đầu các chiến dịch tiêm chủng ở các nước nghèo cho biết, hơn 100 loại vắc-xin Covid-19 tiềm năng đang được phát triển.

Ông nói: “Chúng tôi cần đảm bảo có đủ vắc-xin cho tất cả mọi người, chúng tôi sẽ cần sự lãnh đạo toàn cầu để xác định và ưu tiên các ứng cử viên vắc-xin”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ vắng mặt trong cuộc họp sáng kiến tăng tốc phát triển thuốc, vắc-xin COVID-19 của WHO