Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/11 đã đệ trình thông báo về mục đích rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lên Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói chuyện với giới truyền thông vào ngày 2 tháng 11 năm 2019.
Theo các điều khoản đã thỏa thuận, Mỹ phải đợi đến ngày 4/11 để nộp hồ sơ, mặc dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố bác bỏ thỏa thuận này từ hồi tháng 6/2017.
Với động thái này, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận này.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với lý do hiệp định này khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã lập tức thực hiện lời hứa khi tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 1/6/2017.
Theo ông, Hiệp định này áp đặt những tiêu chuẩn môi trường không công bằng với các công ty Mỹ và Chính phủ Mỹ, vì các nước khác như Trung Quốc được yêu cầu ít hơn.
Ông cho rằng việc thực thi thỏa thuận sẽ đặt ra một mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ.
Hạ viện Mỹ ngày 2/5 thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump theo đuổi kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Dự luật do Hạ viện thông qua mang tên "Đạo luật Hành động ngay vì khí hậu," cấm sử dụng các quỹ liên bang vào kế hoạch rút khỏi thỏa thuận trên và buộc Tổng thống phải phát triển một kế hoạch nhằm thực hiện các nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp định Paris, trong đó có việc đến năm 2025 phải cắt giảm 26-28% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2005.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mô tả dự luật này mang tính "khẩn cấp" về đạo đức, kinh tế và an ninh quốc gia.
Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của 231 nghị sỹ (trong đó có ba nghị sĩ Cộng hòa), 190 nghị sỹ phản đối.
Ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm từ 26-28% lượng phát thải khí nhà kính so với mức khí thải của năm 2005.
Theo các điều khoản của hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài một năm. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11/2020 - một ngày sau ngày bầu cử tổng thống vào năm sau.
Phát biểu tại một hội nghị năng lượng tại Pittsburgh, Tổng thống Trump cho rằng: "Hiệp định Paris sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.