Mưu đồ tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông

TTK| 28/10/2015 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông đang trở thành mối lo ngại lớn đối với các nước phương Tây, nhất là trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phải đau đầu tìm cách phản ứng cho phù hợp để tránh dẫn đến xung đột trầm trọng.

Sự hung hăng và bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển nhộn nhịp với tổng kim ngạch thương mại trị giá 5,6 nghìn tỷ USD, để giành quyền bá chủ khu vực là nguyên nhân khiến giới hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia đứng ngồi không yên.

Các quan chức đã đề cập tới vấn đề này trong nhiều hội nghị và diễn đàn, với nhận thức rõ ràng rằng Trung Quốc không hề có dấu hiệu từ bỏ tham vọng của mình ở Biển Đông, bằng chứng là nước này vẫn liên tục tuyên bố chủ quyền với hàng loạt hòn đảo lớn nhỏ, các rạn san hô và nhiều vùng biển trọng yếu khác.

Mưu đồ tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông - Ảnh: EPA

Tuy nhiều quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại vùng biển này, song cách hành xử và thái độ của Trung Quốc đã khiến tình hình địa chính trị khu vực trở nên cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc đã và đang tận dụng khả năng vượt trội trong các lĩnh vực nghiên cứu và khoa học biển làm công cụ để đạt được những mục đích ở Biển Đông.

Trong khi đó, để tránh đẩy tình hình tới chỗ bế tắc, Trung Quốc đã đề ra một chương trình hợp tác khoa học khu vực. Theo một nguồn tin, "là một quốc gia coi phát triển khoa học và công nghệ là một phần trong chiến lược nhằm khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu, Trung Quốc rất khuyến khích hoạt động nghiên cứu thông qua các chương trình đầu tư và tài trợ cho các viện hàn lâm, các chương trình của nhiều trường đại học; chú trọng giáo dục chuyên ngành và đầu tư cơ sở hạ tầng nghiên cứu... Chủ tịch Tập Cận Bình là người trực tiếp đề xuất, lên kế hoạch và giám sát nhiều hoạt động, từ chương trình quốc gia về phát triển biển giai đoạn 2006-2020 cho tới kế hoạch phát triển các hoạt động trên biển chu kỳ 5 năm".

Cho dù thế giới có đánh giá thế nào về những toan tính và sự mạo hiểm của Trung Quốc tại Biển Đông thì người ta cũng hoàn toàn đúng khi cho rằng quốc gia này đang có những bước đi thực sự khôn ngoan, khi vừa "rung cây dọa khỉ" đối với các đối thủ khu vực, vừa từng bước củng cố các tuyên bố có phần phi lý của mình.

Chương trình hợp tác khoa học mà Trung Quốc khởi xướng trên thực tế là nhằm phục vụ các mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh. Cụ thể: tự tạo ra các thực tế để củng cố tuyên bố của mình và sử dụng chúng khi cần; biến nghiên cứu thành công cụ thể hiện sức mạnh và năng lực hàng hải (và tàu ngầm Giao Long là một trong những ví dụ tiêu biểu thể hiện sự vượt trội so với các đối thủ); tái khẳng định tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, giữ kín các thông tin khoa học nghiên cứu được, dùng đây làm thứ vũ khí vô hình để giành lấy các mục tiêu mà không cần can thiệp quân sự.

Trung Quốc tuyên bố mục tiêu đề ra chương trình này là nhằm làm giảm sự hoài nghi giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, song "tham vọng" này cho tới nay vẫn ở xa tầm với bởi nhiều lý do rất rõ ràng. Không quốc gia nào muốn từ bỏ các yêu cầu của mình. Họ đều muốn có được một phần của "chiếc bánh" Biển Đông đang tranh chấp, và thực tế là không đủ khả năng đơn phương thách thức sự bành trướng của Trung Quốc.

Các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc là phi pháp, song Bắc Kinh đã vạch ra một lộ trình rõ ràng và sẽ không từ bỏ mục tiêu của mình bởi thực tế là tầm ảnh hưởng của họ đang ngày một gia tăng mạnh mẽ tại Biển Đông. Nói ngắn gọn, Bắc Kinh sẵn sàng đánh đổi và bất chấp mọi cái để biến nơi đây trở thành "pháo đài" của mình.

Khả năng vượt trội trong phát triển khoa học và năng lực quân sự đã giúp Trung Quốc bỏ xa nhiều đối thủ, đồng thời củng cố hơn nữa các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Chương trình nghiên cứu kéo dài 20 năm tại Biển Đông đang đem lại "trái ngọt" cho Bắc Kinh, và những thành tựu cũng như tầm ảnh hưởng mà hải quân nước này có được cho tới nay là điều khó có thể phủ nhận. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưu đồ tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông