Mường Trời khai hội

Nam Hoàng| 22/03/2014 10:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lễ hội Hoa Ban - lễ hội mở đầu cho chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức được khai màn...

Những ngày tháng Ba này, khắp lòng chảo Mường Thanh, từ những phường, những cụm dân cư nơi thành phố đến các bản làng mờ xa, khuất nẻo đều rực rỡ sắc ban rừng; đâu đâu cũng nghe thấy rộn rã tiếng trống, tiếng đàn hòa quện trong từng lời ca điệu múa. Vậy là Mường Trời đã bắt đầu vào hội.

 Huyền thoại về một loài hoa

Không phải ngẫu nhiên mà người ta chọn Lễ hội Hoa Ban để mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi từ xa xưa, trong đời sống tinh thần của các cộng đồng dân tộc trên Tây Bắc, hoa ban đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Hoa ban - biểu trưng cho tình yêu thủy chung, sức sống trường tồn, là dấu hiệu báo mùa xuân - mùa của tình yêu và lễ hội. Cũng giống như món xôi ngũ sắc có màu tím biểu trưng cho sự thủy chung, màu đỏ được ví như tình yêu sắt son, say mê, lãng mạn… nhưng sắc trắng của hoa ban không chỉ là sự thuần khiết, nó còn mang trong mình hình ảnh của tình yêu sáng trong, không vụ lợi, toan tính, thứ tình yêu đích thực được vun vén từ những rung động trái tim, những xúc cảm chân thật. Hoa ban cũng biểu tượng cho tình yêu thủy chung, vĩnh cửu. Dẫu tháng Ba có gió Lào táp rát rạt, dẫu sương gió mỗi đêm mù mịt, ban cũng chỉ êm đềm tung lá khô xuống thảm cỏ, những cánh hoa vẫn lung linh trắng, tươi tắn lạ thường. Phải chăng đó chính là tình yêu của người con gái Thái thuở nào, dẫu có bị rào cản, ngăn cấm vẫn không đổi khác.

Mường Trời khai hội

Toàn cảnh buổi khai mạc Lễ hội Hoa Ban - Lễ hội mở đầu cho Tuần văn hóa Điện Biên

Hoa ban gọi về cả những mùa màng bội thu. Năm nào ban nở rực rỡ thì năm ấy mùa màng hanh thông, trọn vẹn.  Hình như khi hoa ban nở trắng rừng thì những đợt mưa đầu mùa cũng chợt tới. Ban xà từ trên đỉnh núi, buông mình xuống những thung lũng ăm ắp nước đầy. Bà con lại hối hả gieo mạ, làm đất, đốt nương chuẩn bị cho mùa mới. Đàn ông bình thản giục trâu bừa những thửa ruộng mới, phụ nữ lụi cụi be bờ dưới gốc ban trắng bình yên. Cái đẹp của hoa ban đến tự nhiên, khiến người ta tự nguyện yêu chân thành và da diết. Tháng Ba, giữa lúc giao mùa, ngắm ban nở giữa đất trời Tây Bắc thấy hạnh phúc lạ thường.

Trong truyền thuyết của người Thái có kể lại rằng, xưa kia, ở vùng đất Mường Trời có một cô gái xinh đẹp tên Ban. Nàng không chỉ đẹp mà còn nết na, thùy mị, giỏi thêu thùa và có giọng hát mê đắm lòng người. Ngay từ thời thiếu nữ, nàng Ban đã khiến nhiều trai mê đắm. Thế nhưng, không mấy ai biết rằng trái tim nàng đã trao gửi cho Khum, một chàng trai giỏi săn bắn và hái lượm. Tưởng đôi trai tài gái sắc ấy sẽ kết tóc se tơ, nhưng cha Ban chê gia đình Khum nghèo, không phải danh gia vọng tộc nên ông đã quyết gả con gái cho con trai của một chúa Mường. Thấy cha cùng nhà chúa Mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Đến khi kiệt sức, nàng gục xuống núi, nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân bản gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hóa thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa Xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết…

Mường Trời khai hội

Một góc TP Điện Biên Phủ

Đó là những câu chuyện, những truyền thuyết từ thuở hồng hoang, ngay cả ở thời kỳ hiện tại, nhiều người cũng kể lại rằng: Khi quân và dân cả nước tiến về giải phóng Điện Biên, từ hàng trăm ngả đường, đoàn quân cứ nhìn về khoảng trời rười rượi sắc hoa ban mà thẳng tiến. Cứ thế, cùng với thời gian, hoa ban dần trở thành niềm tự hào, thành biểu tượng của các dân tộc đang sinh sống trên khắp dải rừng Tây Bắc. Đồng thời, loài hoa này còn là biểu tượng của chiến thắng, của tình đoàn kết quân dân giữa miền núi với miền xuôi, là biểu tượng của sự phát triển vươn lên từ trong lạc hậu, khó khăn của vùng đất nằm tít hút nơi cực Tây tổ quốc.

Đi lên từ trong khốn khó

60 năm, vùng đất hoa ban vốn là chiến trường của trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa đang có những bước chuyển mình rõ rệt để trở thành một đô thị có nét kiến trúc đặc trưng, tạo được dấu ấn riêng.....

60 năm, vùng đất hoa ban vốn là chiến trường của trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa đang có những bước chuyển mình rõ rệt để trở thành một đô thị có nét kiến trúc đặc trưng, tạo được dấu ấn riêng. Định hướng phát triển của tỉnh Điện Biên đến năm 2020 đã chỉ rõ quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh Điện Biên: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững nền kinh tế - xã hội của Điện Biên nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; phấn đấu đưa Điện Biên ra khỏi danh sách các tỉnh đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân so với các vùng khác trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XI; đưa Điện Biên thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tiến tới trở thành một tỉnh miền núi biên giới vững mạnh, an ninh chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội văn minh và có khối đại đoàn kết các dân tộc vững chắc”.

Mường Trời khai hội

Hoa ban khoe sắc

Để từng bước chuyển hóa quyết tâm ấy thành những thành tựu cụ thể, toàn tỉnh Điện Biên hiện nay như một công trường đang bộn bề nhiều lo toan, trăn trở. Với những tham vọng được dựa trên nguồn lực sẵn có cùng các kết quả nghiên cứu, khảo sát xã hội học vững chắc, tỉnh đã đề ra “Định hướng phát triển hệ thống đô thị; Định hướng tổ chức không gian công nghiệp và Định hướng tổ chức không gian du lịch….” Trong đó tập trung đầu tư phát triển toàn diện TP Điện Biên Phủ cả về kinh tế - văn hóa – xã hội, từng bước xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc có cơ cấu kinh tế hiện đại, có sức lan toả mạnh đến các khu đô thị khác trong vùng. Dự kiến quy mô dân số của thành phố năm sẽ trên 100 nghìn dân, tăng lên khoảng 13 - 14 nghìn dân. Tiến hành nâng cấp TP Điện Biên Phủ trước năm 2015...

Theo quy hoạch chung, toàn bộ khu trung tâm hành chính của TP Điện Biên Phủ hiện nay sẽ được chuyển vào khu Noong Bua để dành lại trọn vẹn khu vực lòng chảo Điện Biên cho việc phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Kiến trúc chủ đạo của toàn bộ khu vực lòng chảo sẽ là kiến trúc đặc trưng của vùng Tây Bắc với mục đích nhằm phát triển dịch vụ du lịch văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.

Từ nội lực và tiềm năng sẵn có, những năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Điện Biên đã trình các đề án khả thi đề nghị Chính phủ xét duyệt, đồng thời nỗ lực kêu gọi, huy động các bộ ngành, các thành phần kinh tế giúp đỡ, tham gia củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông vốn có như đường hàng không, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu thông thương với các nước trong khu vực, tiếp tục mở rộng, nâng cấp thêm các đường tuyến huyện, xã. Nhờ đó mà ngày nay, những con đường nối đồng bằng châu thổ sông Hồng lên tới TP cực tây- Điện Biên Phủ đã trở thành những con đường du lịch về văn hóa, lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên vào tốp đầu cả nước.

Cũng phải nói rằng, suốt bao năm qua, liên tiếp các dự án cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người đã phát huy tác dụng lớn, đem đến nhiều thay đổi diệu kỳ cho nhiều miền rừng, miền hoang vu khuất nẻo ở Điện Biên. Từ lâu, các chương trình, dự án, các chính sách của Đảng và Nhà nước như 134, 135, 167, Nghị quyết 30A… đã thực sự chăm lo cho đồng bào các dân tộc ở vùng đất khó này từ điện, đường, trường, trạm, cung cấp đất ở, đất sản xuất, cây con giống, nước sinh hoạt rồi dạy nghề, ổn định cuộc sống, dần xóa đói giảm nghèo.

Từ chỗ bịt bùng trong núi cao, từ cõi khó khăn nhất của vùng Tây Bắc với những con đường bé bằng bụng ngựa, ngày đó nhiều nơi ở Điện Biên chỉ có lối mòn chuột chạy dẫn lên các chòm nhà cửa, bao năm ròng, từng đoàn ngựa thồ nước sinh hoạt thấp thểnh theo ánh đèn pin, đèn bão để đi qua các triền đá kéo đến tận chân trời. Vì cơn khát đó, nhiều người đã phải bỏ xứ tha hương. Bây giờ đường xá ở Điện Biên trơn láng, nó cong veo như dải lụa vắt qua các đỉnh núi chon von từ huyện vào xã.

Đến với thung lũng Mường Thanh những ngày này, điều khiến du khách khắp nơi dễ dàng bắt gặp nhất chính là những con đường hoa ban rực rỡ, những chuyến xe đi thăm lại chiến trường của các thế hệ cựu chiến binh đến từ mọi tỉnh thành trong cả nước. Cùng biết bao công trình đang dần mọc lên giữa lòng chảo một thời khói lửa năm xưa, cả Điện Biên hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới những thành tựu lớn lao hơn trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Bởi, đó chính là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất của đồng bào xứ Mường Trời để tiến tới chào mừng ngày đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Trời khai hội