Là nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, địa danh Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nổi tiếng bởi từ nơi này, vị Tướng tài ba Võ Nguyên Giáp đã cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.
Mường Phăng hôm nay đã có nhiều thay đổi, xứng danh vùng đất năm xưa là căn cứ chỉ huy quan trọng nhất của chiến dịch.
Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Vượt qua quãng đường khoảng 40km từ TP Điện Biên Phủ, qua ngã ba Nà Nhạn trong một ngày giữa tháng 4, chúng tôi lên mảnh đất Mường Phăng lịch sử. Con đường nhỏ chạy dưới những tán rừng rậm rạp, quanh co, trước mắt chúng tôi, Mường Phăng hiện ra với một thung lũng rộng lớn. Nằm yên bình nơi lưng chừng núi, trung tâm xã Mường Phăng hiện diện như một khu đô thị mới. Trụ sở UBND xã bề thế hai tầng nằm bên tháp truyền hình đồ sộ, bên cạnh đó là trạm y tế xã, chợ trung tâm xã, trường học... cùng những ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái ngói đỏ, vách ghép ván còn tươi nguyên màu sơn cánh gián của đồng bào dân tộc Thái.
Bia ghi dấu địa điểm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Con đường nhựa thẳng tắp về phía Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi nào cũng xanh ngăn ngắt những cánh đồng lúa đang kỳ “con gái”. Xa hơn một chút là những cụm nhà sàn mái ngói của bản Phăng, bản Bánh, bản Co Mận, bản Khẩu Cắm, bản Khá... Nơi này, cách đây 60 năm, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn quân lên đây xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, mới chỉ là vùng đất heo hút với vài ngôi nhà nằm lẩn khuất trong rừng.
Tượng đài Quyết chiến Quyết thắng
Chúng tôi đến Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm cách trung tâm xã Mường Phăng khoảng 2km về phía Đông. Mới hơn 9 giờ nhưng cả bãi để xe của Ban Quản lý di tích đã chật cứng những chiếc xe du lịch, có biển số từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đưa du khách về đây tham quan. Ai đến đây cũng hào hứng, chuẩn bị tinh thần để leo núi lên thăm căn cứ Sở Chỉ huy chiến dịch - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân và dân ta làm nên chiến thắng. Từ ngày nơi đây trở thành mảnh đất du lịch lịch sử, cuộc sống của đồng bào địa phương đã thay đổi nhiều. Dọc hai bên đường, trong sân khu di tích hay ngay tại các nhà dân ven khu vực này là hàng chục quầy bán hàng lưu niệm, bán thảo dược đặc sản của vùng miền như: Thuốc nam, rượu ngâm táo mèo, sâu chít, nấm rừng, hạt dẻ, quần áo thổ cẩm, khăn piêu, vòng bạc...
Theo Tổ bảo vệ khu di tích, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có từ 100 - 200 du khách đến đây tham quan. Vào những ngày nghỉ, ngày lễ, lượng khách có thể lên tới 300 - 400 người.
Mường Phăng coi trọng giáo dục thế hệ trẻ
Ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng cho biết: Sau khi chia tách địa giới hành chính thành hai xã Mường Phăng và Pa Khoang, xã Mường Phăng có diện tích tự nhiên trên 3.400ha. Toàn xã có 26 đội, bản với trên 1.000 hộ dân, gồm trên 3.600 nhân khẩu, thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh. Sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Mường Phăng đã có nhiều khởi sắc. Cuộc sống của người dân Mường Phăng bắt đầu “thay da đổi thịt” từ năm 2004, khi Mường Phăng được đầu tư các công trình thuỷ lợi để chuyển từ sản xuất một vụ lên hai vụ lúa. Năng suất lúa ở đây hiện đã đạt tới 65 tạ/ha vụ chiêm xuân, 45 tạ/ha trong vụ mùa. Nhiều hộ trên địa bàn đã tận dụng diện tích đất nương rẫy để trồng cây dong giềng. Ngay tại trung tâm xã, đã có 3 xưởng thu mua, chế biến, sản xuất tinh bột dong giềng với các “ông chủ” là người địa phương.
Phong cảnh Mường Phăng
Ở Mường Phăng, ba ngôi trường thuộc các cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cô giáo Mạc Thị Phương Hảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp cho biết: Thầy và trò ở đây cảm thấy rất thiêng liêng và tự hào. Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp có 230 học sinh theo học, trong đó có tới gần 92% là con em các dân tộc thiểu số, hơn một nửa số thầy, cô của trường cũng là người dân tộc thiểu số, ở ngay địa phương. Từ khi đạt chuẩn quốc gia vào năm 2006 đến nay, trường liên tục giữ vững danh hiệu này, trung bình mỗi năm trường có 60% học sinh đạt khá và giỏi.
Mường Phăng, một căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của Tổ quốc, đang đổi thay từng ngày. Những ngày này, ai có dịp đến với Mường Phăng đều có ấn tượng về một Mường Phăng hào hùng trong quá khứ, giờ đây đang từng bước khởi sắc, vươn mình trong công cuộc xây dựng và phát triển cùng với đất nước.