An ninh trật tự

Muôn kiểu lừa đảo từ thế giới ảo

Phong Vân 12/07/2023 - 15:32

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Theo các cơ quan chức năng, trên không gian mạng Việt Nam hiện có 3 nhóm lừa đảo chính với 24 hình thức.

Giả mạo khuôn mặt, giọng nói để lừa đảo

Giữa năm 2022, thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chị N.T.H.N (trú tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) dù đã rất cảnh giác, song vẫn phải bù số tiền 5 triệu đồng để chia sẻ thiệt hại với khách hàng.

Thời điểm đó, chị N. cộng tác với một công ty để cung cấp kit test Covid-19 cho các đơn vị. Thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, một đối tượng sử dụng số điện thoại 0785247xxx liên hệ với chị N. để đặt mua một thùng kit test Vũ Hán với giá 21,5 triệu đồng.

Đối tượng này yêu cầu chở hàng ra một tòa chung cư trên đường Nguyễn Xiển, giáp ranh giữa 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai. Tới đó, sẽ có người nhận hàng và thanh toán tiền.

Thỏa thuận xong, chị N. giao ship chuyển hàng tới cho khách. Trước và sau khi đi, chị N. đã nhiều lần dặn ship, khi nào nhận được tiền mới giao hàng. Tuy nhiên, do sơ suất, ship đã để người nhận hàng chuyển một nửa thùng lên xe cho khách khác khi chưa nhận được tiền.

Kết quả, cả chị N. và vị khách kia đều là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Đối tượng sử dụng số điện thoại 0785247xxx đã mua đắt bán rẻ, lừa người có hàng và người mua hàng tới một địa điểm giao dịch, sau đó nhận tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng từ người mua hàng và tắt máy.

long-bien(1).png

Tại tỉnh Thanh Hoá, mới đây, chị Đ.T.Y. (trú tại TP. Thanh Hóa) đã bị lừa đảo số tiền 350 triệu đồng bằng một thủ đoạn mới rất tinh vi: Công nghệ Deepface có thể giả mạo khuôn mặt, giọng nói.

Thông tin từ Công an TP Thanh Hóa cho biết, chị Y. có chị gái tên Minh đang định cư tại Nhật Bản thường xuyên sử dụng tài khoản Facebook để liên lạc với gia đình.

Ngày 10/6/2023, chị Y. bị kẻ gian chiếm quyền sử dụng tài khoản. Để tạo sự tin tưởng, đối tượng đã sử dụng công nghệ Deepface giả mạo khuôn mặt và gọi cho nhóm chát của gia đình bằng cuộc gọi video. Đối tượng sau đó đã nhắn tin cho chị Y. nhờ chuyển khoản với số tiền gần 350 triệu đồng rồi chiếm đoạt.

Tại TP Đà Nẵng, ngày 5/7/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố cho biết, vừa tiếp nhận tin báo của chị V.T.T (SN 1974, trú quận Ba Đình, TP. Hà Nội) về việc bị lừa đảo liên tiếp qua Facebook dẫn đến việc mất hơn 3 tỷ đồng.

Theo trình báo, giữa tháng 6/2023, chị T. nhận được tin nhắn quảng cáo đầu tư hợp tác kiếm tiền qua mạng xã hội Facebook và được hướng dẫn mời vào nhóm đầu tư qua mạng xã hội Telegram.

Tại đây, chị T. được đối tượng hướng dẫn tạo tài khoản, nạp tiền đầu tư bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp, hứa hẹn sẽ nhận được lợi nhuận cao và nhanh chóng.

Tin lời, chị T chuyển khoản tiền đầu tư theo các gói từ 3-100 triệu đồng. Sau đó vài ngày, chị T. nhận được thông báo lợi nhuận được hưởng trong sàn đầu tư là 4 tỷ đồng nhưng khi thực hiện thao tác rút tiền lợi nhuận thì bị báo lỗi không rút được, đối tượng hướng dẫn phải nạp thêm tiền để khắc phục lỗi mới rút ra được. Từ đó, chị T. bị đối tượng dẫn dụ nhiều lần nạp tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 67 vụ lừa đảo qua không gian mạng, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới 66 tỷ đồng.

Thống kê của Công an tỉnh Bình Định cho biết, phương thức lừa đảo qua mạng với thủ đoạn nạp tiền, cộng tác mua bán để hưởng hoa hồng xảy ra nhiều nhất so với các hình thức khác, với 32 vụ, số tiền thiệt hại hơn 26 tỉ đồng.

Trên đây chỉ một vài vụ việc lừa đảo điển hình trên không gian mạng diễn ra trong thời gian gần đây, cho thấy sự tinh vi, xảo quyệt và nhức nhối của mặt trận này.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Đề cao cảnh giác

Anh Nguyễn Ngọc Tùng (trú tại phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh) – một người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội đã từng bị nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội tiếp cận để lừa đảo, song rất may mắn anh đều không bị lừa.

Anh Tùng cho biết, cần cảnh giác với tất cả các tài khoản trên mạng xã hội, kể cả đó là những tài khoản thân thiết nhất, thường xuyên trao đổi nhất.

“Các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có thể bị các đối tượng xấu chiếm quyền bất cứ lúc nào. Vì vậy, khi có ai hỏi vay tiền hoặc hỏi các vấn đề liên quan tới thông tin cá nhân, truy cập vào các đường link lạ, tốt nhất nên gọi trực tiếp qua số điện thoại hoặc gọi video qua một ứng dụng khác để xác thực thông tin”, anh Nguyễn Ngọc Tùng chia sẻ.

Đồng thời cho biết thêm, ngay cả gọi video hiện tại cũng không bảo đảm an toàn, bởi công nghệ Deepface rất tinh vi, có thể giả mạo khuôn mặt, lời nói của bất kỳ ai. Vì vậy, có lần cho bạn vay tiền, anh Tùng không chỉ gọi điện thoại, gọi video xác thực, mà còn yêu cầu bạn rút chứng minh thư ra khi gọi video mới tin tưởng chuyển tiền.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trên không gian mạng Việt Nam hiện có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức. Trong đó, các đối tượng nhắm vào nhóm người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…

poster-ky-nang-dam-bao-an-toan-ttcn-q2-2023.png
Các kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin. Ảnh: BCA

Ông Trần Quang Hưng, Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các hình thức lừa đảo liên quan tài chính chiếm đa số. Nguyên nhân chỉ ra do phổ cập điện thoại thông minh nhiều và những nhóm này bị lừa đảo mạnh nhất trong 6 tháng qua. Tuy nhóm đối tượng này được tiếp cận công nghệ nhưng khả năng năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn hạn chế, chưa được cập nhật các hình thức lừa đảo mới.

"Các nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến hiện nay không chỉ tập trung ở Việt Nam mà còn hình thành các tổ chức lừa đảo ở nước ngoài. Các nhóm đối tượng này hình thành hệ thống tập trung nhiều người Việt tại đó để lừa đảo trực tuyến", ông Trần Quang Hưng nêu.

Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Công an, hiện này tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, có những thủ đoạn mới xuất hiện nhằm đánh lừa các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm do cơ quan chức năng thông báo trên các phương tiện, thông tin đại chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muôn kiểu lừa đảo từ thế giới ảo