Có lẽ khắp dọc dài Tây Bắc, hiếm có nơi nào bị “cơn bão trắng” tàn phá nặng nề, đau thương như ở Na Ư...
Chỉ tính trong khoảng chục năm trở lại đây, toàn xã Na Ư đã có đến 11 án tử hình, 14 án chung thân, 10 lệnh truy nã đặc biệt, 17 án tù từ 15 năm trở lên, vô số con nghiện và nhiều gia đình bỏ làng đi biệt xứ. Chính vì cái “kỷ lục đau buồn” ấy nên có những thời điểm, người ta gọi Na Ư là “thung lũng tử thần”, hay “xã tử tù”.
Quá khứ đen tối là thế, nhưng giờ đây, nhờ sự đấu tranh không khoan nhượng của các lực lượng chức năng, nhiều đường dây buôn bán ma túy ở Na Ư bị triệt xóa, hàng loạt “lái buôn tử thần” sừng sỏ phải “dựa cột” hoặc mang án tù chung thân. Thời hoàng kim của tội phạm ma túy Na Ư kết thúc. Giờ thung lũng tử thần không còn “nóng” nhưng hệ lụy của “cơn bão trắng” thì vẫn còn xót xa, đớn đau lắm.
Thảm kịch của một “đại gia đình ma túy”
Sáu giờ sáng, sương mù giăng mắc, theo chân ông Và Vả Tông, Chủ tịch UBND xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), chúng tôi tìm đường xuống thăm gia đình của vợ chồng ông Và Giả Chía - Vừ Thị Sáy ở bản Ca Hâu, gia đình mà theo nhiều cán bộ ở Na Ư đánh giá là “bi đát nhất thung lũng tử thần”. Nhà ông Chía nằm cuối con ngõ nhỏ lầy thụt ở ngoài rìa bản. Căn nhà gỗ tuềnh toàng, chìm lút giữa cây dại và lá mục. Phía trước nhà có một vuông sân, nhão nhào bùn đất. Đồ đạc vương vãi khắp nơi, cỏ theo chân người mọc vào tận đầu hè. Thật khó để tưởng tượng căn nhà như cái kho chứa đồ ấy lại là nơi sinh sống của mười mấy con người.
Con cái đi tù, giờ ông Chía - bà Say phải nuôi 10 đứa cháu
Ông Chía (81 tuổi) có ba người con trai là: Và A Sùng (SN 1975), Và A Say (SN 1976), Và A Dơ (SN 1978) thì cả ba đều nghiện. Để có tiền chích hút, ba đứa con ông Chía đều gia nhập vào đường dây buôn ma túy từ Lào về Việt Nam. Nhưng, cũng giống như bao ông trùm ma túy khác, ba anh em Sùng, Say, Dơ không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Khởi đầu là người anh cả Và A Sùng bị bắt và bị Tòa tuyên án 20 năm tù, tiếp đến là Say và Dơ lần lượt bị bắt. Thế nhưng, khác với anh trai, Say và Dơ đều bị tuyên án tử hình. Bản án của Say đã được thi hành, còn Dơ may mắn hơn nhờ biết ăn năn, hối cải, hợp tác với Cơ quan điều tra để khám phá ra những đối tượng, những đường dây buôn bán ma túy khác nên hắn đã được ân giảm xuống chung thân.
Đối với ông Chía, bà Say, những tưởng đớn đau, mất mát chỉ đến thế là cùng, nào ngờ, tai họa vẫn chưa dừng ở đó, nó vẫn tiếp tục trút xuống không ngơi nghỉ. Bởi, chỉ một khoảng thời gian rất ngắn sau đó, ba đứa con dâu của vợ chồng ông, từ con dâu cả đến con dâu út cũng đồng lõa theo chồng lao vào con đường phạm tội, để rồi lần lượt lĩnh án 6, 8 và 18 năm tù. Điều đáng nói là trước khi “an phận mình sau song sắt”, đám con giai, con dâu ấy đã kịp gửi lại cho vợ chồng ông Chía đúng 10 đứa cháu, đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa nhỏ nhất mới vừa lên 6. Giờ đây, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Chía và vợ vẫn phải cặm cụi chạy vạy lo miếng ăn cho đàn cháu. Bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo...
Cha “đế vương”, con đói khát
Cách nhà ông Chía không xa là nhà của trùm ma túy Vừ A Tủa. Cách đây chừng chục năm, trong giới “buôn hàng trắng” ở Điện Biên, Tủa nổi tiếng là kẻ ranh ma, xảo quyệt và liều lĩnh. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ một kẻ chuyên “điếu đóm”, nhận vận chuyển hàng thuê qua biên giới để lấy tiền đắp đổi cuộc sống qua ngày, Tủa dần vượt lên và trở thành “ông trùm của những ông trùm”.
“Danh tiếng” của Tủa là thế, nhưng ngay cả khi đã yên vị trong nhà hắn, trò chuyện với vợ hắn là Lý Thị Say, trước sự chứng kiến của ông Và Vả Tông, Chủ tịch xã Na Ư, tôi cũng không tin đây lại là “dinh thự” của một trong những ông trùm ma túy nổi tiếng chơi ngông khắp dải rừng biên giới. Nhà Tủa nghèo, cái nghèo hắt ra từ mấy bức vách rách tả tơi, ngửa lên thấy lốm đốm trời. Mấy đứa con của Tủa, đứa nào cũng đen đúa, cóc cáy, quần áo xộc xệch. Nghe giới thiệu có cán bộ dưới Hà Nội lên, Lý Thị Say, vợ Tủa lập tức ùa ra khóc. Say nói rất nhiều, nói về cái đói, cái khổ, cái lạnh và nói về cái “thằng chồng vô tích sự bỏ Say, bỏ đàn con dại để đi tù”. Tôi nghĩ mình không mong tìm được cái gì xa xỉ hơn là nước mắt và những lời than vãn.
Ông Và Vả Tông, Chủ tịch UBND xã Na Ư: “Những “ông bố, bà mẹ ma túy” ấy đã vô trách nhiệm, đã mê muội đến tột cùng...”.
Trước khi vượt đèo Tây Trang vào xã Na Ư, tôi đã được nghe khá nhiều giai thoại về chồng Say, trùm ma túy Vừ A Tủa. Người ta kể rằng, có lần Tủa đã bao hẳn một khách sạn hạng sang bên nước bạn Lào để anh em, bạn bè chiến hữu tụ tập ăn mừng sau khi vừa trót lọt một chuyến hàng. Ba ngày, ba đêm ngập ngụa trong bia rượu và gái đẹp, số tiền Tủa bỏ ra thanh toán phải tính bằng… bao tải. Hoặc có lần hứng chí, Tủa ôm cả ba lô tiền về Hà Nội sắm sanh váy áo, đồ trang sức cho đám bồ nhí, em út của mình.
Nhưng, có một nghịch lý rằng, bên ngoài Tủa nổi tiếng phong lưu, tiêu tiền như nước, song đối với vợ con thì hắn gần như buông bỏ. Say kể, trước kia Tủa quanh năm suốt tháng sống chui lủi trong các cánh rừng, thỉnh thoảng mới về quăng cho đám trẻ vài ba gói kẹo. Tủa về mùa xuân thì cuối đông Say trở dạ sinh con. Cứ thế, lần lượt bốn đứa trẻ ra đời. Khi Say mang thai đứa thứ 4 mới được vài ba tháng thì Tủa bị bắt và bị TAND tỉnh Điên Biên tuyên phạt tử hình. Đó là vào khoảng cuối năm 2009.
Một Thẩm phán ở TAND tỉnh Điện Biên, kể: Ngày Tủa bị đưa ra xét xử, khi nhìn thấy mấy đứa con rách rưới, xo ro trong mưa gió, cái bản năng làm bố trong hắn hình như trỗi dậy. Tủa đã định cởi áo bị cáo của mình nhường cho con nhưng bị Cảnh sát bảo vệ ngăn lại. Câu chuyện ấy, hình ảnh ấy giờ vẫn được nhiều người tham dự trong phiên tòa ngày hôm đó nhắc lại như một sự hoài nghi về sự xung đột trong tích cách của một con người. Thật khó để biết được, đâu là một ông trùm ma túy từng “đốt tiền như rác” và đâu là một người cha Vừ A Tủa sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho con?
Cách đây ít lâu, nhờ biết ăn năn hối cải cộng với việc tích cực hợp tác, cung cấp thông tin giúp Cơ quan điều tra khám phá ra nhiều đối tượng trong các đường dây buôn bán ma túy khác, Tủa đã được Chủ tịch nước ân giảm tội chết. Kể từ đó, hắn được đưa về cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. Tủa được “tái sinh”, điều kỳ diệu đó chẳng khác nào liều thuốc tinh thần cho cả đại gia đình hắn.
Vĩ thanh
Có một thực tế rằng, có quá nhiều thảm cảnh như vậy ở Na Ư và tất cả đều khởi nguồn từ ma túy. Và, cũng có một điều trùng lặp là hầu hết những ông trùm sinh ra và lớn lên ở Na Ư không được ăn học đàng hoàng. Không ít người trong số họ còn mù chữ, nói tiếng kinh chưa sõi. Thậm chí, có những đại ca, ông trùm mà tôi đã từng gặp trong trại giam, nhiều người còn không thể ký nổi tên mình. Tất cả những biên bản lời khai, họ đều lăn tay điểm chỉ. Chính vì cái sự ít học, thiếu hiểu biết đến mê muội ấy, cộng với chuyện cả đời phải sống giữa núi cao với mây mù hoang liêu, diệu vợi, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên họ mới dễ dàng bị cám dỗ bởi phù hoa, bởi sức hút ma mị của đồng tiền.
Căn nhà của vợ chồng ông Chía, bà Say
Phải đến tận khi ngồi trong bốn bức tường giam chờ ngày trả án, những đại ca, ông trùm ma túy mới cảm thấy ân hận, xót xa vì những lỗi lầm mình đã gây ra. Như trường hợp của Vừ A Tủa chẳng hạn. Tủa bảo, giá hắn biết an phận thủ thường, biết sống như những người đàn ông Mông bình thường khác thì gia đình, vợ con hắn đâu phải chịu nhiều đớn đau đến vậy.
Quả thật, khi phải chứng kiến những cảnh đời thậm khổ, gia cảnh nát bươm của Tủa, của Say và nhiều tử tù khác nữa, người ta không khỏi chạnh lòng. Pháp luật thượng tôn, tội ác nào thì sớm muộn cũng phải bị trừng phạt, âu đó cũng là cái lẽ thường tình. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là giá như những người như Tủa, như Say được ăn học đàng hoàng, tử tế thì biết đâu, họ sẽ không tự đóng sập cánh cửa cuộc đời mình khi còn rất trẻ, để lại nỗi đớn đau “hóa đá” cho những người thân.
Không biết rồi đây, số phận của những đứa trẻ - con của các đại ca, ông trùm ma túy ở Na Ư cũng như ở khắp các bản làng vùng cao Điện Biên khác sẽ ra sao, chúng sẽ lớn lên như thế nào khi đói khát bủa vây? Nhưng, có một điều chắc chắn, đó là vết thương do những ông bố, bà mẹ buôn bán ma túy kia gây ra cho chúng sẽ không bao giờ lành hẳn.
Ông Và Vả Tông, Chủ tịch UBND xã Na Ư bảo: rất nhiều ông bố, bà mẹ khi sa vào vòng lao lý đã biết tỏ ra ăn năn, hối lỗi và nói lời ân hận.