Chưa bao giờ có kỳ họp của Quốc hội lại có khối lượng công việc lớn như kỳ này, các đại biểu đã rất cố gắng để duy trì. Mong cử tri thông cảm cho đại biểu vắng họp nhiều vì phải kiêm nhiệm".
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nêu quan điểm trước phản ánh của báo chí tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tổ chức chiều nay 28/11 tại Văn phòng Quốc hội xung quanh chuyện đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vắng mặt nhiều tại một số phiên họp thảo luận tại tổ, hội trường.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII chiều 28/11
Chia sẻ trước băn khoăn của báo chí, tại một số phiên họp ở tổ, hội trường số lượng ĐBQH vắng khá đông, có phiên họp tới 25% ĐB vắng mặt; hay như nhiều phiên họp tổ chỉ có 8/24 ĐB có mặt họp tổ…. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, các ĐBQH đã rất cố gắng khi kỳ họp diễn ra trong thời gian dài và phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Với thời gian họp dài, việc đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm bố trí thời gian, công việc để tham gia đầy đủ các phiên họp là khó khăn. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nên thông cảm vì những lý do bất khả kháng ĐBQH vắng mặt ở một số phiên họp là không tránh khỏi.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, là kỳ họp cuối năm và cũng là kỳ họp thứ hai triển khai Hiến pháp nên công tác lập pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành 2/3 thời gian để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật nhằm khẩn trương đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp với số lượng nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao, Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, về công tác dân nguyện, tiếp công dân; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng; công tác thi hành án; phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; quốc phòng an ninh; đối ngoại năm 2014; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Ngoài ra Quốc hội cũng xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.”
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh. Đây là lần thứ hai Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự. Kết quả lấy phiếu đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát.
Về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã dành 0,5 ngày để nghe và thảo luận Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiến hành chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều ý kiến của ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư và cho rằng nước ta cần có một Cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nợ công tăng nhanh và khả năng thanh toán còn bấp bênh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ,… nên nếu triển khai dự án sẽ tạo ra sức ép lớn cho nền kinh tế.
Nhiều vị ĐBQH băn khoăn về thời điểm đầu tư dự án, tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng... Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy có một số trường hợp có cố gắng, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số trường hợp vẫn chưa được tín nhiệm cao, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là một kênh để qua đó, các trưởng ngành làm tốt hơn công việc của mình..