Mối tình Kinh - Thượng giữa đại ngàn Tây Nguyên

Ngọc Anh| 03/01/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ chiến đấu và mong ngày trở lại quê hương, nhưng tình yêu nồng cháy của những sơn nữ nơi cực Bắc Tây Nguyên đã níu chân họ...

Rồi một thiên tình sử Kinh - Thượng khơi nguồn cho sự đoàn kết dân tộc bền chặt hơn bao giờ hết...

Mối tình Y Nảy

Mười tám đôi vợ chồng Kinh - Thượng đã vượt qua mọi rào cản của phong tục, văn hóa để sống với nhau hạnh phúc trên mảnh đất anh hùng xã Đăk Ui, Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, ông Phạm Trung Hải vẫn không tin đó là sự thật.

“Anh Hải có muốn xây dựng hạnh phúc cùng em không?”, lời cầu hôn tự nhiên như núi rừng của cô sơn nữ người Dẻ Triêng - Y Nảy đã làm bộ đội Phạm Trung Hải (lúc này là Huyện đội trưởng huyện 40, tỉnh Gia Lai - Kon Tum, còn Y Nảy là cán bộ trợ lý dân quân) ngẩn người bàng hoàng. Đã 43 tuổi, lăn lộn nhiều chiến trường, chưa bao giờ ông thấy lúng túng như giây phút bị cô gái kém mình 17 tuổi cầu hôn. Ông không ngờ con gái Dẻ Triêng lại mạnh dạn đến thế! Ông từ chối khéo “Xây dựng cái gì? tôi đã có vợ, có con ở quê rồi!”.

Nhưng, sự hồn nhiên của cô sơn nữ còn táo bạo hơn ông tưởng: “Anh Hải chưa có vợ, chưa có con. Anh Hải đừng nói dối em, em muốn làm vợ anh Hải”. Như một sự thúc đẩy mãnh liệt từ trái tim, sơn nữ Y Nảy lại tiếp lời cầu hôn thứ 3 với thủ trưởng của mình. Bị “tấn công” dồn dập, ông ngạc nhiên khi hoàn cảnh gia đình, “tiểu sử” của mình đã bị người con gái này âm thầm điều tra, nắm thuộc lòng.

Hơn 40 tuổi, chưa một lần nghĩ đến mình sẽ có một tình yêu với nơi núi rừng, nhưng trước sự tấn công dồn dập và những lời cầu hôn hồn nhiên và chân thành của Y Nảy khiến ông Hải đành phải suy nghĩ và hẹn một tuần sau sẽ trả lời Y Nảy. Đã thế, đồng đội lại ủng hộ mối tình này nên càng làm cho ông phải động lòng nhiều hơn bởi khoảng cách về văn hóa và các hủ tục mà người Kinh và người Thượng chưa thể có tiếng nói chung. Trình độ văn hóa, chính trị lại còn khá xa nhau, ngôn ngữ bất đồng… nên việc đi đến hôn nhân là cả một vấn đề lớn, cần phải bàn tính cho thật chu đáo và kỹ lưỡng. Đất nước đang có chiến tranh, mình còn chiến đấu, lấy nhau rồi phải giải quyết công việc ra sao?

Mối tình Kinh - Thượng giữa đại ngàn Tây Nguyên

Hơn 40 năm trôi qua, bà Y Nảy - ông Hải vẫn sống hạnh phúc bên con cháu

Hạn một tuần đã đến, Y Nảy tiếp tục cầu hôn ông Hải. Y Nảy tưởng rằng sẽ nhận được một lời từ chối từ ông Hải, nhưng một điều không ai ngờ tới, đó chính là ông Hải đã nhận lời cầu hôn với một giao ước “lấy nhau rồi ai cũng phải chăm lo hạnh phúc gia đình, nhưng không ai được làm ảnh hưởng đến công việc của nhau”; còn Y Nảy cũng kèm theo điều kiện “nếu không ăn được món gì thì thôi, không được chê, không được ngửi…”. Một đám cưới nhỏ đã được tổ chức trong rừng trước sự chứng kiến của đồng đội. Người con trai quê Bình Sơn, Quảng Ngãi và sơn nữ Dẻ Triêng Y Nảy nên duyên chồng vợ năm 1970. Vừa chiến đấu, ông vừa dạy vợ nét văn hóa, sinh hoạt của người Kinh.

 Chiến tranh kết thúc, trước khi trở về thăm quê hương, ông Hải mang trong lòng nặng trĩu những tâm tư và các câu hỏi khi đối diện với cha mẹ, họ hàng trong dòng tộc… Rồi cái ngày ấy cũng đến, trước những lời động viên của gia đình, dòng họ về việc thành lập gia thất, ông mới dám thú nhận việc mình đã có vợ là người Thượng. 

Phản ứng dường như chết lặng, không khí trong gia đình trở nên nặng nề hơn bao giờ hết, thế nhưng, sau khi ông Hải giải thích, mọi người cũng miễn cưỡng đồng ý cuộc hôn nhân giữa ông và Y Nảy. Sau lần chiến thắng tư tưởng này, ông mới dẫn vợ con về quê. Bị dân làng dèm pha, bóng gió, họ hàng phản đối, ông càng thương Y Nảy và con mình hết thảy.  Thời gian sau, Y Nảy đã chứng minh cho họ thấy, con gái làng này không ai giỏi việc nhà, giỏi việc nước như cô, khiến ai cũng phải yêu quý.

Họ đã sống hạnh phúc bên nhau được 41 năm và có 4 người con ngoan hiền, học hành giỏi giang. Hiện nay, các con ông bà đều có công ăn việc làm ổn định, đều là những cán bộ xã, huyện, tỉnh và đang học đại học. Bao năm trôi qua, ông bà vẫn thủy chung gắn bó với nhau, đưa kinh tế gia đình lên đứng đầu thôn, với mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nối tiếp những mối tình Kinh - Thượng

Chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và nảy sinh tìm cảm với một cô sơn nữ người Dẻ Triêng, anh bộ đội cụ Hồ người xứ Thanh - Trần Xuân Lành đến với cô gái Y Xã thật bất ngờ. Là một cán bộ quân y, cán bộ Lành đã đi chữa bệnh cho cả làng Y Xã khi bệnh dịch đang hoành hành, cướp đi tính mạng của bà con trong bản. Được anh Lành chữa trị nhiệt tình, căn bệnh kiết lị đã được trị tận gốc. Cảm phục tài đức của anh Lành, cô sơn nữ Y Xã đã thầm thương trộm nhớ cán bộ nhưng trong lòng vẫn mang nặng mặc cảm Kinh - Thượng nên Y Xã đã nhiều lần từ chối tình cảm của anh Lành. Không lùi bước, anh Lành tiếp tục ngỏ lời cầu hôn. Biết Lành thật lòng, lại giản dị, Y Xã liền gật đầu đồng ý và họ đã có với nhau 10 mặt con.

Và tiếp đó là mối tình Y Nây với người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Dũng - người đã đi bộ 150.000 cây số cõng hàng cho Cách mạng. Mối tình sắt son đến cuối cuộc đời của họ được buôn làng Xê Đăng tin yêu, ca ngợi…

Hay mối tình anh bộ đội Nguyễn Chí Kiệm với Y Bom đơm hoa kết trái, hạ sinh được 10 người con, 5 trai 5 gái. Được sự động viên và dạy dỗ của cha mẹ, các con ông đều cố gắng học hành nên người: Người làm Công an, người trở thành bộ đội, giáo viên, cán bộ huyện, người thì đang đi học, các con ông đều cố gắng xây dựng tương lai của mình trên mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Chí Thanh, con trai đầu của ông Kiệm và bà Y Bom tâm sự: “Tôi rất tự hào vì cha mẹ đã nuôi tôi khôn lớn và cho học hành đàng hoàng, tôi rất hạnh phúc vì vừa được làm người con của buôn làng Xê Đăng, vừa làm người con của mảnh đất miền Trung giàu truyền thống, được bố mẹ truyền lại cho cách sống, phong tục tập quán của hai dân tộc…”.

Tình yêu chính là hiện thân của tình đoàn kết Kinh - Thượng

Mười tám đôi vợ chồng Kinh - Thượng đang sống tại xã anh hùng Đăk Ui, huyện Đăk Hà, Kon Tum đã vượt qua bao rào cản của phong tục tập quán cũng như những khoảng cách về trình độ chính trị và văn hóa giữa người Kinh và người Thượng để chứng minh cho tình đoàn kết dân tộc. Không chỉ vậy, họ còn là minh chứng sống trong quá trình đấu tranh xóa nhòa khoảng cách Kinh - Thượng. Bên cạnh đó, chính những cặp vợ chồng này cũng góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đưa nền kinh tế, văn hóa nơi đây phát triển vững mạnh, kịp với người Kinh.

Ông U Brao, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui cho biết: Những cặp vợ chồng sống trên địa bàn xã đều là những cán bộ kháng chiến, họ chiến đấu tại Đăk Ui từ trong chiến tranh chống Mỹ. Kinh tế của các gia đình đều tương đối khá giả, trong gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc, con cái được học hành. Ở mọi thôn làng của Đăk Ui đều có những gia đình là kết quả của sự kết hợp hai dòng máu Kinh - Thượng, tình yêu của họ chính là hiện thân của tình đoàn kết các dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối tình Kinh - Thượng giữa đại ngàn Tây Nguyên