Tôi mới chấp hành án về được một năm, muốn vay vốn Ngân hàng để làm ăn, không biết tôi có đủ điều kiện và cần những thủ tục gì?
Trả lời bạn đọc về vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
Với quan điểm coi người chấp hành xong án phạt tù khi về địa phương là người lao động, được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người lao động, vì vậy, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Trước khi có Luật Thi hành án hình sự, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa được tổng thể, đồng bộ, liên hoàn nên hiệu quả chưa cao. Từ khi có Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa Luật, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, gồm:
- Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù;
- Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020, trong đó có mục tiêu “tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù”;
- Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Trong Thông tư 44, Quy định người chấp hành xong án phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp được hỗ trợ như sau:
Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; được hưởng chính sách nội trú.
Đào tạo trình độ sơ cấp dưới ba tháng: Được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại.
Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành hết sức quan tâm.
Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong án phạt tù. (Điều 3 Hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp).
Đặc biệt người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm.
Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn đào tạo nghề nghiệp được vay vốn theo quy định tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và các văn bản hướng dẫn.
Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm được vay vốn theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn.
Căn cứ tình hình kinh tế-xã hội địa phương, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù phát triển sản xuất, tạo việc làm. (Điều 5 Vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm).
Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng quy định tại các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì cũng được hỗ trợ theo quy định của pháp luật. (Điều 6 Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Người chấp xong hình phạt tù được khôi phục những quyền công dân bị hạn chế, không thực hiện được khi đang thi hành án. Chẳng những người này có đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân như bất cứ một công dân nào khác trong xã hội mà còn được hỗ trợ tạo điều kiện hòa nhập xã hội để trở thành một công dân tốt. Điều này thể hiện tính nhân đạo của Bộ luật hình sự, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước với những người lầm lỡ.