Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của TAND thời gian qua đã có kết quả khả quan. Đó là sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức trong hệ thống TAND trong việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Những phiên tòa phổ biến, giáo dục pháp luật
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW, trong những năm qua, Ban cán sự Đảng TANDTC đã xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án. Bằng các hoạt động xét xử, thông qua công tác hòa giải, đối thoại, tiếp công dân và thanh tra nghiệp vụ… nhiều năm qua, Tòa án đã đưa công tác PBGDPL đã đến được với người dân.
Những phiên tòa xét xử, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là các thông điệp, quy định của pháp luật được truyền tải đến người dân; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Đây là hình thức tuyên truyền được đánh giá là có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Những người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ diễn biến quá trình Tòa án giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể, họ sẽ hiểu rõ hơn pháp luật quy định đối với từng trường hợp như thế nào và bị xử lý ra sao, từ đó sẽ có ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc xét xử các vụ án tại trụ sở Tòa án, các TAND còn tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên toà được truyền hình trực tuyến, đặc biệt tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm về một số loại tội phạm. Hoạt động này luôn mang lại hiệu quả cao trong công tác PBGDPL, có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà; tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư ở địa phương; giúp cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà.
Công tác hoà giải, đối thoại tại Tòa án cũng được lãnh đạo TANDTC chú trọng, quan tâm và có những kế hoạch, định hướng kịp thời. Trong năm qua, TANDTC đã thành lập được các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thí điểm hoạt động tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được triển khai là dấu ấn khá đậm nét cho loại hình PBGDPL này.
Thông qua công tác hòa giải, đối thoại, các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và hành chính được các cán bộ hòa giải phổ biến đến các đương sự trong từng vụ án. Qua đó giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành pháp luật được thuận lợi. Đã có nhiều vụ án đạt kết quả như sự kỳ vọng: Hai bên giảng hòa cùng nhau rút đơn kiện do hiểu và nhận thức đúng đắn các quy định pháp luật, cũng như vấn đề đạo đức, nghĩa tình trong cộng đồng cư dân.
Để thể chế hóa chủ trương này, TANDTC đã xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ hợp tới đây và nếu được thông qua sẽ thêm một hình thức PBGDPL có hiệu quả được thể chế, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Một phiên tòa hình sự
Một hình thức PBGDPL nữa được TANDTC chú trọng là hoạt động tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ các Tòa án. Trong những năm qua, TANDTC đã tích cực thực hiện đổi mới thủ tục hành chính tư pháp theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện; công khai hóa các thủ tục tiếp nhận hồ sơ, cung cấp tài liệu của Tòa án theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, xây dựng nội quy tiếp công dân; cán bộ làm công tác tiếp dân đã tận tình giải thích các quy định pháp luật có liên quan đến tranh chấp để người dân được hiểu, kết hợp công tác tiếp dân với việc PBGDPL cho công dân.
Sự nỗ lực đưa pháp luật vào cuộc sống
Công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ cũng là một cách giúp người dân tiếp cận pháp luật một cách nhanh nhất. Từ ngày 1/7/2017, TAND các cấp đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của Tòa án mình trên Cổng thông tin điện tử. Với 291.819 bản án, quyết định của Tòa án được công bố đến thời điểm hiện nay là một con số không hề nhỏ. Những bản án công khai để người dân tiếp cận, không chỉ giúp những người dân, các chuyên gia được tiếp cận dễ dàng mà còn để chính các Thẩm phán cận trọng hơn trong cách viết bản án, cách áp dụng pháp luật giúp cho công tác tuyên truyền pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.
Vấn đề nữa được cử tri, Quốc hội đánh giá cao qua nhiều kỳ họp, đó là công tác phát triển án lệ, được lãnh đạo TANDTC quan tâm chỉ đạo. Tính đến thời điểm này, TANDTC đã ban hành được 26 án lệ, xuất bản được 2 tuyển tập án lệ. Thông qua các án lệ này, những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể hoặc những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau sẽ được phân tích, giải thích trong một vụ việc cụ thể, vì vậy việc tiếp cận các quy định của pháp luật sẽ cụ thể và dễ hiểu hơn.
Để thực hiện thành công, hàng năm, các TAND đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua kế hoạch nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác xét xử, chú trọng việc hòa giải, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để công dân nhận thức rõ các quy định pháp luật, giảm bớt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…
Ngoài ra, một số hoạt động thiết thực có ý nghĩa TAND các cấp cũng tích cực tham gia thực hiện, đó là các Đề án: “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015”; “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021” đều được triển khai hiệu quả.
Việc phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành ở địa phương để PBGDPL cũng được TAND các cấp tiến hành thường xuyên. Một số Tòa án tỉnh phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân thuộc các đối tượng chính sách, cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng đặc biệt khó khăn trên tất cả các lĩnh vực: Hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động; Xây dựng, quản lý và khai thác có hiệu quả Tủ sách pháp luật tại TAND tỉnh theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình xây dựng và thực hiện Chuyên mục Tòa án (mỗi tháng một chuyên mục, phát vào tối thứ ba của tuần thứ ba của tháng); Phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh, VKSND tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù cho các bị can, bị cáo, và người đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ký kết Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở giữa TAND thành phố và Sở Tư pháp giai đoạn 2019-2023.
Thực hiện sứ mệnh truyền tải các thông tin trên đến với cử tri, nhân dân không thể thiếu vai trò các cơ quan ngôn luận của TANDTC. Truyền hình TAND, Báo Công lý, Tạp chí TAND, Cổng thông tin điện tử của TANDTC những năm qua đã phục vụ đắc lực cho TANDTC thực hiện nhiệm vụ này. Những phiên tòa, những vụ án, những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, rồi gương các cá nhân, tập thể tiêu biểu… hàng ngày, hàng giờ được truyền tải đến với bạn đọc trong và ngoài ngành Tòa án.
Để công tác PBGDPL đi vào chiều sâu thì nhất định phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp hiện đại. Ngành Tòa án có thể họp trực tuyến tại 800 điểm cầu như thời gian qua là kết quả đáng ghi nhận trong công tác PBGDPL bằng sức mạnh của công nghệ thông tin mà Tòa án áp dụng hiệu quả.
Những kết quả trên là sự nỗ lực của Ban cán sự Đảng TANDTC, Tòa án các cấp đã góp phần quan trọng đưa Chỉ thị 32 vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ Tòa án và các tầng lớp nhân dân.