Để minh bạch hóa tiền công đức, tại trợ trên địa bàn, cơ quan chức năng TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã vào cuộc kiểm tra tại 101 di tích lịch sử - văn hoá có tổng thu hơn 8 tỷ đồng trong năm 2023.
Ngày 25/3, thông tin từ Văn phòng UBND TP Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn. Cụ thể có 24 di tích quốc gia; 69 di tích di tích cấp tỉnh; 08 di tích kiểm kê.
Tại 101 di tích có người đại diện, ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích. Trong đó, di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý là 05 di tích; 64 di tích giao cho ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý; 02 di tích do người đại diện cơ sở tín ngưỡng quản lý; 16 di tích do người đại diện cơ sở tôn giáo quản lý và 14 di tích thuộc sở hữu tư nhân do chủ sở hữu di tích tư nhân quản lý.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, số tiền thu công đức, tài trợ tại các di tích năm 2023 là 8.546,807 triệu đồng và đã chi hoạt động quản lý, hoạt động lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích, chi khác tại di tích, hoạt động từ thiện, nhân đạo là 8.098,127 triệu đồng.
Qúa trình kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng du khách đặt tiền trên bàn thờ, trên mâm lễ ở di tích; đặt tiền chưa đúng nơi quy định; việc công khai thu, chi các khoản công đức, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho công tác tổ chức lế hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn mang tính hình thức.
Kiểm đếm tiền công đức, tài trợ tại nhiều di tích chưa thường xuyên, định kỳ theo quy định; còn nhiều di tích chưa mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để tiếp nhận và quản lý di tích do nguồn thu công đức, tài trợ cho di tích không nhiều.
Thời gian tới, để công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn TP Thanh Hoá đi vào nề nếp, đúng quy định, cần đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường sự giám sát của đại diện UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với các di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng gồm: Khu di tích Thái miếu nhà Hậu Lê, Động Long Quang, Trận địa Đồi C4, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Khu Văn hoá tưởng niệm Bác Hồ; thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Tại các ban quản lý di tích kiêm nhiệm cấp xã quản lý, đa số các di tích tự ban hành quy chế quản lý tiền công đức, tài trợ thực hiện mở sổ sách theo dõi thu, chi. Việc giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức có sự phối hợp của đại diện UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc tiếp nhận và quản lý tiền công đức, tài trợ được thực hiện theo thông lệ, theo truyền thống và đặc điểm riêng của mỗi tôn giáo; về cơ bản có mở sổ sách ghi chép các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ.
Những di tích là cơ sở tín ngưỡng do người đại diện cơ sở tín ngưỡng quản lý thì tại di tích có hoạt động công đức, tài trợ nhưng số tiền nhỏ; việc quản lý mang tính tự thu, tự chi giống như khoản chi cho việc trông coi, bảo vệ di tích.
Qua kiểm tra và báo cáo của UBND các phường, xã, việc mở tài khoản tiền gửi lại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử còn hạn chế.
Các di tích trên địa bàn đã thực hiện mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích - văn hoá.
TP Thanh Hoá đề xuất các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn những nội dung liên quan đến việc quản lý di tích, tín ngưỡng, văn hoá cho cấp huyện, xã, các di tích trên địa bàn tỉnh nhằm cập nhật các quy định của cơ quan quản lý nhà nước.