0 giờ đêm và 3 giờ sáng theo học thuyết âm dương là một trong các cung giờ mà “cõi âm” hoạt động nhiều nhất và cánh cửa quỷ môn quan cũng được mở vào giờ đó.
Tôi không rành rẽ về chuyện này và đó chỉ là những thông tin lượm lặt vui vui “khuyến mại” cho độc giả trước khi đi vào câu chuyện đang nóng dư luận. Chủ nhật, lúc 0 giờ ngày 12/4, Tổng cục Hải quan mở cổng đăng ký trực tuyến tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo. 3 tiếng đồng hồ sau, cổng này đóng.
Hoạt động này là diễn biến tiếp theo sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, phương án đề xuất của Bộ Công Thương về số lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1106 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4/2020, trong đó quy định thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.
Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn.
Theo đúng quyết định có hiệu lực của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai lúc 0h ngày 12/4. Từ thời điểm đó đến rạng sáng cùng ngày thì hệ thống dừng tiếp nhận do đã đủ hạn mức 400.000 tấn gạo.
Doanh nghiệp bức xúc vì cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo mở lúc nửa đêm
Đầu đuôi câu chuyện tưởng chỉ có vậy, song sau đó rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã thắc mắc, đã phản ứng, đã ta thán về cách làm này. Thậm chí có doanh nghiệp đã ký đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp cho rằng việc mở tờ khai lúc nửa đêm ngày Chủ nhật là bất bình thường, là thiếu minh bạch.
Nên hiểu cho hoàn cảnh của các doanh nghiệp lúc này, họ đứng trước nguy cơ phá sản khi hàng chục ngàn tấn gạo đang lênh đênh trên sông hoặc ủ trong kho bãi. Việc Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo khiến họ mừng rơi nước mắt, ai dè…
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng đã có thông cáo báo chí về việc này. Theo Tổng cục Hải quan, cổng đăng ký khai báo là hệ thống hoàn toàn tự động, trừ lùi 400.000 tấn gạo cho đến khi con số về 0. Con người không thể can thiệp vào việc này cho nên nó khoa học và minh bạch.
Mặc dù Tổng cục Hải quan đã giải thích nhưng xem ra vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, nên chăng cần giải thích thêm để doanh nghiệp và người dân được rõ.
Băn khoăn thứ nhất, đồng ý rằng hệ thống điện tử là tự động, con người không thể can thiệp vào việc chỉ định cho doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác. Thế nhưng việc cài đặt hệ thống hoạt động lúc 0 giờ đêm thì con người có can thiệp được không? Nếu can thiệp được, sao không mở lúc 6 giờ sáng hay 12 giờ trưa mà lại là 0 giờ. Thời điểm mà theo khoa học thì mọi người đều đã say giấc nồng cả rồi.
Băn khoăn thứ hai, theo các doanh nghiệp họ đều không nhận được thông báo gì về việc hệ thống khai mở lúc 0h ngày 12/4. Vậy trên thực tế Tổng cục có công bố rộng rãi về thời gian cho các doanh nghiệp được biết không? Nếu đúng như phản ánh của các doanh nghiệp thì tại sao các doanh nghiệp khác lại biết cổng đăng ký mở vào giờ đó, ngày đó để thức mà làm tờ khai? Có hay không việc "nhất bên trọng, nhất bên khinh"?
Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn minh bạch hơn nữa khi đề nghị được biết những doanh nghiệp nào đã đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo trong tháng 4 và với số lượng bao nhiêu? Xuất khẩu đi nước nào? Đây có lẽ cũng là mong muốn hoàn toàn chính đáng.
Trước khi đồng ý cho xuất khẩu gạo theo phương án, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công Thương; bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách; kịp thời cung cấp số liệu xuất khẩu gạo theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Từ diễn biến của vụ việc trên cho thấy, các đơn vị liên quan chưa thực hiện đúng theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng.