'Mở cửa bầu trời' nhưng vẫn cần 'mở nút thắt'

Trang Nhi| 16/02/2022 10:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với việc mở lại hoàn toàn các đường bay quốc tế thường lệ, ngành hàng không "đi trước một bước" cho lộ trình khôi phục du lịch quốc tế và nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có nút thắt khiến du lịch quốc tế chưa thể trở lại ngay.

"Mở cửa bầu trời" - Cú hích cho hàng không, du lịch 

Từ 15/2, Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường, trở lại bình thường như trước dịch COVID-19, theo thông báo của Cục Hàng không Việt Nam với nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ. 

Được biết, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Trung Quốc thì tất cả các quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý. Hiện các đường bay tới châu Âu, Australia, Mỹ… đều đã có hoạt động khai thác. Trong thời gian sắp tới, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, sẽ có những đường bay tới các thị trường mới như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… được khai thác.

mo-cua-bau-troi-1.jpg
Ngành du lịch kỳ vọng phục hồi sau khi hàng không mở cửa hoàn toàn.

Quyết định này kịp thời cho không chỉ ngành hàng không, du lịch mà còn đóng góp cả vào việc khôi phục kinh tế. Hàng không đóng vai trò tiên quyết trong việc mở cửa du lịch quốc tế, khi khách du lịch đi lại bằng đường hàng không chiếm tỉ trọng lớn, nhất là du khách quốc tế. Do đó, muốn mở cửa giao thương, đi lại, du lịch thì hàng không phải đi đầu. Đây là động thái rất tích cực của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, tạo tiền đề cho cú hích về mở cửa du lịch quốc tế.

Nhìn ở góc độ rộng, mở cửa hàng không đi kèm với bảo đảm an toàn dịch bệnh nghiêm ngặt, do đó việc Chính phủ đồng ý mở cửa với hàng không cho thấy đã tính toán những điều kiện cần thiết khi tỉ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 của cả nước ở mức cao. Điều này tạo tiền đề, cơ sở cho mở lại du lịch, giúp cho du lịch thấy được hướng đi để chuẩn bị triển khai các bước khôi phục từ bây giờ.

Việc mở đường bay khiến nhiều du khách háo hức muốn thực hiện những chuyến đi đến các quốc gia lân cận sau quãng thời gian dài "chôn chân" ở nhà. 

Mặt khác, chúng ta đã tiêm đủ, đã học sống “thích ứng và an toàn” thì cần tránh các biện pháp hành chính cực đoan. Giờ đây, chúng ta bình tĩnh chống dịch và khôi phục kinh tế, xã hội.

Theo đó, mở đường bay cũng là mở cửa du lịch sẽ giúp mọi hoạt động trong ngành dần hồi sinh khi quay trở lại hoạt động tại thời điểm này. Các doanh nghiệp có thể kết nối lại với các đối tác, bạn hàng và tìm kiếm thị trường sau 2 năm đứt gãy.

Ngoài ra, trong hai năm vừa qua, số lao động trong ngành du lịch đã bị phân tán rất lớn. Việc mở cửa cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút, đào tạo lại lao động đặc thù. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự hồi phục của ngành cũng sẽ lan tỏa, tạo tiền đề để các hoạt động kinh tế khác sớm trở lại quỹ đạo bình thường.

Cùng với khách du lịch trong nước, việc từng bước mở cửa trở lại du lịch quốc tế là bước đi cần thiết để không bỏ lỡ lợi thế cạnh tranh và cơ hội phục hồi, nhất là khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã đưa ra nhiều chính sách tái mở cửa biên giới để thu hút du khách quốc tế. Chính vì vậy, nếu chậm chân Việt Nam sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế.

Mở "nút thắt" để du lịch được "mở cửa"

Hàng không "tháo rào", song quy định về nhập cảnh, phòng chống dịch với hành khách vào Việt Nam vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế. Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty du lịch lữ hành Saigontourist, chia sẻ với báo chí đây là nút thắt lớn nhất khiến du lịch quốc tế vẫn chưa thể trở lại. 

Các quy định xuất nhập cảnh chưa mở, khách quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân mang hộ chiếu nước ngoài muốn về Việt Nam du lịch hiện vẫn phải đi theo chương trình thí điểm tại 7 địa phương. Các doanh nghiệp (DN) đón khách vẫn phải làm đầy đủ hồ sơ gửi Sở Du lịch địa phương, Bộ VH-TT-DL để xin cấp phép cho từng đoàn. 

mo-cua-bau-troi-2.jpg
Ảnh minh họa.

Dù các bộ, ngành dự kiến chậm nhất là ngày 31/3 sẽ mở cửa du lịch quốc tế, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức. Vì thế, DN vẫn chưa có thông tin chính xác để gửi cho các hãng du lịch nước ngoài để lên lịch bán tour ra thị trường. Trong khi nếu đón khách quốc tế từ tháng 3 thì thị trường châu Âu mới có thể làm sản phẩm cho đối tác Việt Nam, tới mùa du lịch tháng 10 mới có khách. Khách tàu biển cũng cần lên lịch trước từ 6 tháng đến 1 năm.

Hiện nhu cầu người dân đi du lịch nước ngoài rất lớn, đặc biệt là các DN, tổ chức, cơ quan. Rất nhiều đoàn khách MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch…) có nhu cầu mua tour nước ngoài, nhưng DN còn vướng quy định, chưa chốt được lịch. Nếu vẫn cứ chần chừ ở mức dự kiến thế này thì mở hàng không vẫn không có ý nghĩa gì với du lịch, các cơ hội lớn trong năm 2022 sẽ tiếp tục bị bỏ lỡ.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, kiến nghị việc mở cửa hạn chế đi lại phải đồng bộ với các quy định xuất nhập cảnh, chính sách xét duyệt visa cho khách nước ngoài và có hướng dẫn chi tiết về yêu cầu, quy định đón khách…

"Hiện nay việc mở cửa cho khách du lịch phụ thuộc nhiều vào Bộ Y tế. Chính phủ và Bộ Y tế cần nhanh chóng cam kết một thời điểm chính thức mở cửa, gỡ bỏ mọi hạn chế và có hướng dẫn cụ thể đối với ngành du lịch. Mọi sự chậm trễ đều đang góp phần “giết chết” du lịch Việt Nam, đẩy các DN sâu thêm vào tình cảnh khốn cùng”, vị này nhấn mạnh trên báo chí.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Việt Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính) cũng khuyến cáo, đà phục hồi của ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà nước ta đang thực hiện. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh những hoạt động kinh doanh, sản xuất để phục hồi kinh tế cũng phải rất lưu tâm đến công tác phòng dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Mở cửa bầu trời' nhưng vẫn cần 'mở nút thắt'