Nhiều diện tích mía ở Gia Lai đã đến kỳ thu hoạch, nhưng phía nhà máy không mua, dẫn đến nhiều diện tích bị cháy. Đặc biệt, đây lại là thời điểm nắng nóng nên ngọn lửa dễ dàng cháy lan ra diện rộng.
Ngày đêm “thấp thỏm”, lo sợ mía cháy
PV Báo Công lý tìm về xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh) để tìm hiểu về việc mía đã trổ cờ, đến kỳ thu hoạch nhưng phía nhà máy vẫn “bặt vô âm tín”, khiến cho những người dân nơi đây đứng ngồi không yên vì sợ càng để, nguy cơ mía bị cháy càng lớn.
Theo đó, trước đây vào thời điểm những ngày cuối năm âm lịch, việc thu hoạch mía ở trên địa bàn đã hoàn tất. Tuy nhiên, niên vụ mía 2017-2018 khoảng 40ha mía, nông dân mới chỉ xuất bán được một xe duy nhất.
Thông báo thời gian vào vụ sản xuất từ phía công ty.
Trao đổi với PV tại UBND xã Chư Đăng Ya ngày 19/1, ông Nguyễn Văn Bình (người dân trồng khoảng 25ha mía) cho biết: Ngày 11/12/2017 Công ty cổ phần đường Kon Tum có thông báo đến nông dân về việc thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2017-2018. Theo thông báo, Công ty cổ phần đường Kon Tum sẽ thu mua hết mía cho bà con nông dân trước Tết Nguyên đán 2018. Sau đó đến ngày 15/1, công ty này lại tiếp tục ra một thông báo để thông tin về thời gian cụ thể ngày nhập mía, theo đó, thời gian bắt đầu nhập từ 8h30’ ngày 18/1.
Ông Nguyễn Văn Bình dưới hàng ha mía bị cháy.
Ông Bình bức xúc: “Trước kia chỉ tính tạp chất là 3% thì nay đã tăng lên 5%, giá mía thì giảm mà trừ hết như vậy thì chúng tôi sống sao. Một hecta bán được hơn 30 triệu đồng, tiền công chặt 1 ngày đã mất 160.000 đồng/ngày, thêm tiền bốc 80.000 đồng/tấn. Trung bình mỗi hecta sẽ được 60 tấn, trừ hết các chi phí vẫn phải bỏ ra 5-7 triệu đồng để trả thêm, bây giờ mà kéo dài tiến độ thu mua kiểu này, mía cháy còn lỗ nữa...”.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Nguyễn Văn Nội – Chủ tịch xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh cho biết, diện tích mía của xã trước đây có gần 300 ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 40ha. Với tình hình nắng nóng như hiện nay, chính quyền lo sợ mía bị cháy. Ông cho biết: “Nắng nóng kéo dài, bước vào mùa khô lại ở gần khu dân cư nên mía rất dễ bén lửa và cháy. Trước tình hình này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty cổ phần đường Kon Tum, tuy nhiên công ty này chỉ trả lời là nhà máy bị hỏng, chưa mua được”.
Được biết, trước đây giữa Công ty cổ phần đường Kon Tum và các hộ dân trồng mía ở huyện Chư Păh có ký kết một bản hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ đó đến nay, vẫn áp dụng bản hợp đồng này để thu mua, bao tiêu sản phẩm. Điều đặc biệt, khi chúng tôi hỏi đến bản hợp đồng thì cả chính quyền xã và người dân đều không hề giữ bản hợp đồng nào.
Tác giả đi thực tế tại các bãi mía.
Cũng theo ông Nội: "Công ty chỉ đưa hợp đồng cho người dân và chính quyền kí xác nhận rồi giữ lại, chúng tôi không giữ bản nào. Việc nắng nóng kéo dài, tiến độ thu mua chậm đang khiến nhiều hộ nông dân hoang mang vì sợ mía cháy".
Để quan sát thực tế, ông Bình đã dẫn PV ra bãi mía của con trai ông, bị cháy cách đây hơn 1 tháng. Ông bẻ một vài cây mía bị cháy rồi cho biết: “Gia đình tôi đã báo vấn đề mía bị cháy lên công ty, phía công ty đã xuống làm việc nhưng rồi vẫn không thấy động tĩnh gì, 2ha mía cháy này giờ con tôi đang phải thuê thêm người chặt dọn bãi, mía bây giờ bỏ thôi chứ làm được gì. Tổng cộng con cháu, anh em tôi có hơn 25 ha mà giờ giá thì giảm, nhà máy thì chưa có thu mua. Thêm vào đó gần đây mía cháy rất nhiều, cả nhà đang đứng ngồi không yên với mía”.
Ông Bình cũng thông tin thêm, đối với số mía bị cháy nếu trong vòng một tuần thì có thể thu hoạch nhập cho công ty, giờ đã hơn một tháng rồi nên không thu hoạch được, gia đình phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để thuê nhân công chặt bỏ.
Trước thực trạng này, lãnh đạo UBND xã Chư Đăng Ya cũng khuyến khích người dân nên chuyển đổi qua các loại cây trồng khác có giá trị năng suất cao hơn, thay vì trồng mía như hiện nay. Đồng thời, đại diện chính quyền cũng khẳng định, đến mùa khô rồi, mía lại nằm sát khu dân cư nên nguy cơ cháy dễ xảy ra và rất nguy hiểm.
Theo tìm hiểu được biết, mới đây, công ty đã nâng cấp dây chuyền và công suất để phục vụ cho quá trình thu mua, chế biến sản phẩm. Dây chuyền mới này vừa đi vào hoạt động được 2 ngày (từ ngày 21/1). Bên cạnh đó, công ty cũng đang ưu tiên thu mua mía ở các huyện của tỉnh Kon Tum, còn ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, người dân vẫn như đang ngồi trên đống lửa.
Một câu hỏi đặt ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như mía tiếp tục xảy ra cháy khi khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang trong thời kỳ nắng, nóng. Nặng hơn nữa, khi xuất hiện đám cháy, ai có thể khẳng định được nó không lây lan sang những rẫy cà phê, tiêu của các hộ xung quanh. Lúc ấy, thiệt hại không thể lường hết được.
Ngày 23/1, PV Báo Công lý đã trực tiếp đến làm việc tại Công ty Cổ phần đường Kon Tum (đóng chân trên địa bàn TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) để xác minh thêm thông tin, nhưng ông Nguyễn Đức Cần – Trưởng phòng kế hoạch tổ chức của công ty cho biết, Tổng Giám đốc, ông Lê Hồng Thái là người phát ngôn chính của công ty hiện giờ đang đi công tác ở Tp.Hồ Chi Minh nên không thể làm việc với PV được và hẹn PV dịp khác. Đến 17h ngày 25/1, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya ông Nguyễn Văn Nội qua điện thoại thông tin thêm: trong ngày 25/1, công ty đã cho xe xuống chở được hai xe mía bị cháy của con ông Bình rời khỏi bãi cháy. |