Các tỉnh miền Bắc đã chấm dứt mưa phùn kéo dài suốt những ngày qua, trời đã hửng nắng, tuy nhiên độ ẩm trong không khí vẫn ở mức cao, thậm chí có lúc lên tới 100%, nhà cửa hầu như lúc nào cũng ẩm ướt, mang đến cảm giác khó chịu.
Dưới đây, xin giới thiệu một vài mẹo nhỏ để đối phó với kiểu thời tiết khó chịu này:
1. Lau nhà cửa bằng khăn khô, xốp
Ảnh Internet
Trong những ngày trời nồm, ẩm ướt, một phương pháp vô cùng đơn giản đó là thường xuyên lau nhà, tuy nhiên cần lưu ý không dùng chổi lau nhà hay giẻ ướt mà phải sử dụng khăn khô, xốp, có khả năng thấm hút cao.
2. Đóng kín các cánh cửa, hạn chế không khí ẩm vào nhà
Thời điểm này độ ẩm trong không khí tăng rất cao, cộng thêm đó là sương mù dày đặc, do vậy một biện pháp được khuyến cáo sử dụng là hãy đóng kín các cánh cửa, bịt các kẽ hở bằng khăn hoặc mút, hạn chế không khí ẩm tràn vào trong nhà. Nếu bạn mở cửa để cho thông thoáng sẽ khiến cho không khí ẩm tràn vào nhiều hơn, điều này làm cho độ ẩm ướt trong nhà tăng cao.
3. Bật điều hòa
Ảnh Internet
Đây là phương pháp hơi tốn kém một chút về mặt kinh tế, tuy nhiên đó lại là phương pháo lý tưởng nhất. Bạn hãy bật máy điều hòa nhiệt độ ở chiều nóng, nó sẽ giúp bạn làm khô không khí và giảm tối đa độ ẩm trong nhà. Chỉ có điều, bạn sẽ không khỏi giật mình khi thanh toán tiền điện vào cuối tháng.
4. Sử dụng tinh dầu thơm trong nhà
Ảnh Internet
Để nhà cửa khô ráo và thơm mát, bạn nên sử dụng các loại tinh dầu thơm trong nhà để loại bỏ đi mùi ẩm mốc khó chịu của thời tiết nồm. Nên dùng các mùi nhẹ như lavender, chanh, hoa ly… để ngôi nhà có mùi thơm dễ chịu nhất. Bạn có thể để các loại tinh dầu này ở góc nhà để chúng phát huy hương thơm hiệu quả nhất nhé.
5. Phòng bệnh cho người già và trẻ nhỏ
Trời nồm ẩm là nguyên nhân khiến cho các loại nấm mốc phát triển, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chúng ta, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Các bậc làm cha mẹ không để cho trẻ đi chân đất hoặc trườn bò dưới sàn nhà ẩm ướt, sẽ khiến chúng dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến mắc các bệnh về đường hô hấp.
Mặc vừa đủ ấm nhưng nên nhớ phải mặc quần áo khô, cấm tuyệt đối mặc quần áo còn ẩm ướt, chưa khô hẳn. Đồng thời, cha mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể của con bằng việc ăn uống cân đối, lành mạnh, bổ sung thường xuyên vitamin các loại.
6. Xử lý quần áo hàng ngày
Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, khó chịu này thì khuyến cáo bạn cũng không nên quá chăm chỉ giặt quần áo, dù bạn có giặt bằng máy giặt. Nếu bạn đã giặt rồi thì nhất thiết phải đem phơi khô hẳn mới cất vào trong tủ, nếu không quần áo của bạn sẽ nhanh chóng bị nấm mốc và tất nhiên không thể giữ được mùi thơm.
Bạn cũng không nên hong khô quần áo bằng quạt mát, vì việc này sẽ khiến cho hơi nước ngưng tụ nhiều hơn, quần áo sẽ lâu khô hơn rất nhiều.
Để hạn chế ẩm mốc cho quần áo, trong tủ bạn nên treo những túi chống ẩm, đây là phương pháp khá hiệu quả. Nếu sang trọng hơn nữa, bạn có thể sắm một chiếc máy sấy quần áo trong gia đình hoặc mang quần áo đến tiệm giặt là.
Cất chăn gối, quần áo trong túi nilong, tủ kín để tránh mùi hôi và hạn chế nấm mốc có thể sinh sôi
7. Bảo quản đồ điện tử trong điều kiện thời tiết nồm ẩm
Thời tiết ẩm ướt là nguyên nhân khiến cho các thiết bị điện tử dễ bị hỏng hóc, chập cháy, và để khắc phục tình trạng này, khuyến cáo bạn nên cắm thiết bị liên tục ở chế độ chờ, đồng thời duy trì hoạt động của các thiết bị này ít nhất một tiếng mỗi ngày.
Để tránh bị rò điện, lưu ý nên tránh kê trực tiếp đồ điện sát nền nhà hoặc bờ tường, vị trí tốt nhất là đặt các thiết bị điện ở cao hơn mặt đất khoảng 1 mét và cách tường 10 – 15cm.
8. Bảo quản thực phẩm
Thời tiết này sẽ khiến đồ ăn rất dễ bị nấm mốc, ôi thiu, gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta, do vậy không còn cách nào khác, bạn nên cho đồ ăn vào tủ lạnh để bảo quản và nếu chẳng may bạn quên mà để thức ăn ở ngoài qua đêm thì cũng không nên tiếc của.
Ảnh Internet
Thực phẩm khi mua về hoặc dùng xong phải cất ngay vào tủ lạnh, các loại thực phẩm có mùi như bơ, pho mát, cá… cần phải bọc kỹ trước khi cất vào tủ lạnh bảo quản.
Thực phẩm đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh từ 1 đến 2 ngày, khuyến khích sử dụng hết các thực phẩm đã nấu chín trong bữa ăn.