Con cái lớn lên, cha mẹ già đi” là quy luật tất yếu. Do đó, bố mẹ nên tập cho con hiểu một điều rằng, bố mẹ sẽ không thể mãi bên con, ra ngoài xã hội sẽ rất nhiều khó khăn con phải đối mặt...
“Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tên là Tích Chu. Bố mẹ mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc vất vả kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu ăn. Khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt”.
Đó là đoạn mở đầu trong câu chuyện cổ tích Việt Nam Tích Chu mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng được nghe cô kể từ hồi học mẫu giáo. Bà yêu thương, chăm lo cho Tích Chu, nhưng…
“Cậu bé Tích Chu lại chẳng thương bà. Cậu suốt ngày mải mê rong chơi”. Thế rồi, vì tuổi già sức yếu, bà ốm. Một lần, bà khát nước, gọi Tích Chu mang nước cho bà. “Bà gọi một lần, hai lần… rồi ba lần nhưng vẫn chẳng thấy Tích Chu đâu. Khát quá bà liền biến thành chim”.
Tất nhiên, câu chuyện Tích Chu kết thúc có hậu. Bà Tích Chu cuối cùng trở lại thành người. Từ đó, hai bà cháu lại sống chung hạnh phúc bên nhau…
Thế nhưng, đó chỉ là cổ tích!
Hình ảnh trong câu chuyện cổ tích Việt Nam Tích Chu. Tranh minh họa
Những “công tử bột”, công chúa… mồng tơi
Rất nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống tại các thành phố lớn thường được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ. Việc duy nhất trẻ phải làm là học và chơi!
Trẻ hầu như không phải làm bất kỳ việc gì, dù là việc nhỏ nhất, và hoàn toàn phù hợp với khả năng của lứa tuổi. Rồi khi trẻ cần tiền tiêu, mua quà tặng bạn, ăn quà vặt… bố mẹ thường sẽ cho tiền ngay mà không hỏi rõ mục đích sử dụng. Từ đó, trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại, nghiễm nhiên cho rằng mình được phục vụ, mình không phải làm gì cả, người khác phải làm cho mình, chỉ biết nhận lại mà không biết cho đi.
Một thế hệ gà công nghiệp, công tử bột, công chúa giẫm phải “gai mồng tơi” hay công chúa hạt đậu (trong truyện Công chúa và hạt đậu của Andersen, nàng công chúa nằm trên hai mươi lần đệm nàng vẫn thấy đau vì một hạt đậu)… được sản sinh và không hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
“Có sai quét một góc bếp cũng không xong”, “Ngừng này tuổi đầu rồi mà rửa cái bát không nên hồn”, “Nhặt rau muống gì như sợ bị nó cắn thế hả!”… cùng vô số những câu quát mắng mà nhiều bà mẹ phải nặng lời với cô con gái “bé bỏng” của mình.
Hẳn nhiều người trong chúng ta đều biết, trẻ em Nhật Bản ngay từ khi còn nhỏ đã tham gia các buổi diễn tập và trang bị kỹ năng ứng phó với động đất. Do đó, khi động đất xảy ra, chúng chẳng mấy khi hoảng loạn, biết cách tự bảo vệ thân thể, nhất là phần đầu, và tìm cách thoát thân một cách có trật tự, tuyệt đối không chen lấn xô đẩy. |
Được cưng nựng, chăm lo, chẳng phải động tay động chân vào việc gì, chỉ có biết mỗi việc… học. Thế nên, cô bé tên K. học lớp 7 một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội đến giờ vẫn cứ hồn nhiên “vô số tội”.
Chị H., 38 tuổi, làm công nhân một công ty giày da ở Hà Nội, bực mình kể. “Đi làm từ sáng sớm tới 7h tối mới về đến nhà, thế nhưng việc gì cũng vẫn đến tay. Nhà không quét dọn, đồ ăn thức uống vẫn nguyên xi trong tủ lạnh. Suốt ngày 5S với Conan, nhiều khi hỏi những câu ngơ ngơ ngẩn ngẩn”.
Và mỗi lần như vậy, đầu chị lại bốc hỏa, không kiêng dè một ai, chị quát tất, kể cả ông chồng khó tính, hàng ngày chị phải nem nép nghe lời, cũng phải im lặng chịu trận.
Mẹ không thể mãi bên con
Hồi tháng 9/2015, cộng đồng mạng dậy sóng khi hình ảnh cậu học sinh cao lớn ngồi yên trên xe để ông bố gò lưng dắt chiếc xe bị chết máy qua con phố ngập nước. Nhiều bạn trẻ lao vào chỉ trích cậu, nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, bỏ qua lý do cậu bé bị một vấn đề gì đó liên quan đến sức khỏe, có thể chính sự bao bọc quá mức của bố mẹ đã khiến cậu bé ỷ lại.
Hình ảnh làm dậy sóng cộng đồng mạng hồi năm ngoái. Ảnh: Internet
Còn chị H. cũng nhận ra mình đã sai khi bao bọc con quá mức, khi chỉ đơn giản nghĩ, phải cố gắng để con được học hành đầy đủ, bằng bạn bằng bè và không vất vả, bươn chải như chị.
Chị chia sẻ, nhiều khi cô bé V. cũng tích cực xông vào làm giúp chị. Thế nhưng, V. rửa bát xong, chị lại phải rửa lại; quét nhà xong, chị lại phải quét lại… Trong khi còn bao nhiêu việc phải làm, chị nghĩ “thời gian đâu đi theo sau mà làm lại”. Tệ hơn, cũng vài lần cháy nồi, cháy ấm điện chỉ vì chị giao việc cho cô bé. Cuối cùng, chị tuyên bố: “Từ giờ đừng động vào bất kỳ việc gì nữa!”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ), người thường xuyên có các cuộc khảo sát nghiên cứu cũng như tư vấn các vấn đề gia đình và nuôi dạy con, từng đưa ra nhận xét đáng buồn rằng, người Việt Nam “có tuổi thơ dài nhất thế giới”!
Cụ thể là gì? Chẳng phải khi con còn bé mới bao bọc, chở che, mà khi con cái đã trưởng thành, khôn lớn, cha mẹ cũng sẵn sàng can thiệp vào những quyết định trọng đại như cưới vợ gả chồng, xây nhà mua đất, cho đến “cho con của nó ăn như thế nào, chăm như thế nào, quyền quyết định là ở… bà nội”.
Các em nhỏ tham gia buổi huấn luyện kỹ năng PCCC tại "Trại hè lính cứu hỏa 2015" do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật PCCC - Đại học PCCC tổ chức. Ảnh do Trung tâm cung cấp
Chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân từng làm việc cho tổng đài tư vấn Linh Tâm cho biết, thực ra, tâm lý bọn trẻ không thích được cha mẹ bao bọc kỹ quá, thậm chí xấu hổ với bạn bè khi bố mẹ lúc nào cũng con mình là trẻ con. Trẻ sẽ vui mừng và tự hào vì được bố mẹ tin và giao việc cho mình, buộc mình phải chịu trách nhiệm.
“Con cái lớn lên, cha mẹ già đi” là quy luật tất yếu. Do đó, bố mẹ nên tập cho con hiểu một điều rằng, bố mẹ sẽ không thể mãi bên con, ra ngoài xã hội sẽ rất nhiều khó khăn con phải đối mặt. Lúc này, con rất cần được được chỉ dạy những kỹ năng sống cơ bản để có thể thích ứng với mọi tình huống, mọi biến cố để có thể tự bảo vệ bản thân, tự sinh tồn và phát triển.
Hiện nay, do tính chất của công việc cũng như điều kiện của mỗi gia đình, các con thường phải tự học, tự chơi mà không có người kèm cặp bên cạnh. Đặc biệt, sau một năm học tập vất vả, dịp nghỉ hè là dịp trẻ được vui chơi thoải mái, đồng nghĩa với việc bố mẹ lo lắng làm sao cho con chơi an toàn, khỏe mạnh. Xã hội hiện đại mang đến cho cuộc sống con người nhiều tiện ích, sự thoải mái nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là đối với con trẻ. Ngoài nguy cơ tiềm ẩn bên ngoài, thì mối nguy hiểm từ những đồ vật trong gia đình như phích nước, ổ điện, bếp ga, đồ dùng nhà bếp, cầu thang... cũng khá đáng lo ngại. Vì thế, bên cạnh việc trang bị cho con các kỹ năng về giao tiếp, sự tự tin, tinh thần bạn bè, tinh thần làm việc nhóm…, thì việc giúp con nhận biết điều gì là an toàn, điều gì là nguy hiểm, từ đó biết tự bảo vệ bản thân là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, cha mẹ nên giúp con biết sử dụng các vật dụng trong nhà sao cho an toàn; và khi ra ngoài đường thì biết: Phòng tránh khi bị xâm hại cơ thể: Trang bị cho con kiến thức cần thiết để bảo vệ thân thể, giúp con hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể, và nếu bị xâm hại cơ thể các con nên ứng xử ra sao. Nếu con đi chơi bị lạc: Dạy con ghi nhớ số điện thoại cần thiết (nhà, bố mẹ, nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì? An toàn khi tham gia giao thông: Giúp trẻ hiểu được một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường cơ bản, một số người có vai trò trong việc điều hành giao thông, cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư… |