Khẳng định nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam thì rất khó phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Ông cho rằng, đây cũng là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và mong Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) quan tâm thúc đẩy vấn đề này.
Sáng nay (28/3), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đoàn đại biểu Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) do hai Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, ông Masayoshi Fujimoto và ông Masayuki Hyodo dẫn đầu đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Bước triển khai cụ thể, có ý nghĩa to lớn
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Masayoshi Fujimoto, Masayuki Hyodo cùng lãnh đạo các Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản sang Việt Nam dự Cuộc họp cấp cao khởi động Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới; đánh giá cao sự hợp tác, đóng góp quý báu của KEIDANREN cũng như vai trò của hai Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt, cá nhân lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian qua.
Thay mặt Đoàn đại biểu KEIDANREN, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Masayuki Hyodo trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp Đoàn. Bày tỏ vinh dự được gặp lại Chủ tịch Quốc hội từ sau chuyến công tác tại Việt Nam vào năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Masayuki Hyodo nêu rõ, với việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” trong năm 2023, hợp tác kinh tế giữa hai nước đang bước vào giai đoạn mới. Chủ tịch Ủy ban Masayuki Hyodo cũng cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp hỗ trợ, qua đó, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho quan hệ hai nước.
Theo Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Masayoshi Fujimoto, Nhật Bản đang tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng thành phố thông minh, hạ tầng giao thông, thúc đẩy thực hiện sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)... Khẳng định KEIDANREN xác định Việt Nam là đối tác quan trọng; gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư sang Nhật Bản, một số doanh nghiệp này đã tham gia KEIDANREN, Chủ tịch Ủy ban Masayoshi Fujimoto tin tưởng, hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã triển khai thành công trong suốt 20 năm qua; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư cũng như đề xuất các nội dung nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cuộc họp khởi động Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới vừa được tổ chức ngày 27/3 là bước triển khai cụ thể, có ý nghĩa to lớn để hiện thực hoá quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
5 nhóm nội dung chính của Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới. Cụ thể, 5 nhóm nội dung này gồm: thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), chuyển đổi xanh (AZEC/GX); thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.
Nhấn mạnh, đây đều là những lĩnh vực rất thiết yếu, phù hợp với chủ trương phát triển và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hai bên có kế hoạch hành động triển khai cụ thể, đúng hướng ngay từ đầu, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần làm rõ hơn cơ chế, tính chất hoạt động, nguồn lực tham gia, trách nhiệm của mỗi bên, cơ chế điều phối, tổng kết, đánh giá từng giai đoạn, lưu ý rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai thực hiện một số chương trình hợp tác vừa qua để đạt hiệu quả cao nhất.
Việc triển khai thực hiện phải đặt trong tổng thể, toàn diện, khoa học
Trao đổi về các kiến nghị của thành viên Đoàn liên quan đến việc triển khai 5 nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội là cơ quan xây dựng thế chế, chính sách, phân bổ nguồn lực quốc gia, hiện nay, Quốc hội Việt Nam cũng đang tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến những lĩnh vực trọng tâm của Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, do đó, các Ủy ban của Quốc hội hoàn toàn có khả năng và cần thiết tham gia sớm vào quá trình triển khai.
Nêu ví dụ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì phải có các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), nếu không sẽ rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cuối cùng vẫn phải là cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới đã có các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thực hiện thí điểm. Nhiều chính sách khác cũng đang được Quốc hội xem xét, quyết định. Những vấn đề này phải tiến hành một cách bài bản mới có thể đáp ứng được yêu cầu, đạt được các mục tiêu.
Về AZEC, cho biết đánh giá cao sáng kiến này đã cân bằng hơn giữa vấn đề an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng, phù hợp hơn với điều kiện thực tế của các nước châu Á, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, vấn đề mấu chốt là hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, huy động hỗ trợ về tài chính; đề nghị KEIDANREN tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc hình thành thị trường tín chỉ cacbon.
Về chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề mấu chốt là liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Việt Nam đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó có xác định ưu tiên những doanh nghiệp FDI chú trọng đầu tư để hình thành chuỗi giá trị.
Đại dịch Covid - 19 vừa qua đã cho thấy, việc hình thành các chuỗi giá trị theo từng địa bàn có ý nghĩa sống còn. Nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam thì rất khó phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Đây cũng là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh. Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong KEIDANREN quan tâm thúc đẩy vấn đề này.
Cho biết đặt nhiều kỳ vọng với các nội dung trọng tâm của Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc triển khai thực hiện phải được đặt trong tổng thể, toàn diện, khoa học và chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị KEIDANREN tiếp tục phối hợp với các cơ quan Việt Nam tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách, cung cấp các thông tin, kinh nghiệm cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư Việt Nam, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài.
Nhấn mạnh thành công của doanh nghiệp Nhật Bản chính là thành công của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ, góp sức của các doanh nghiệp Nhật Bản, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới Việt Nam - Nhật Bản" ngày càng phát triển.