Xa quê, xa nhà, xa gia đình, họ là những người lính mặc quân phục màu xanh, đeo quân hàm xanh cống hiến thầm lặng cho sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Đi về nơi gió lạnh
Nếu được chọn một loài cây, tôi sẽ chọn cây tre vì nó có cả sự cứng cáp và dẻo dai. Nếu được chọn một loài hoa cỏ, tôi sẽ chọn cây cỏ dại vì nó có sức sống bất tận. Nếu được chọn một kỷ niệm đáng nhớ sau gần một thập kỷ làm nghề báo, tôi sẽ chọn kỷ niệm gắn liền với những người lính biên phòng. Xa quê, xa nhà, xa gia đình, họ là những người lính đeo quân hàm xanh đã cống hiến cả một đời thầm lặng cho biên cương Tổ quốc.
Ngược trở lại những ngày đầu tháng 12/2023, tôi có chuyến công tác về cực Bắc của Việt Nam, đó là tỉnh Hà Giang. Sau khi làm thủ tục báo danh công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, tôi được anh em Ban Tuyên huấn đưa đi nghỉ ngơi và đặt lịch di chuyển tiếp tới Đồn Biên phòng Phó Bảng đóng trên địa bàn thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn - nơi tôi sẽ ở công tác trong ít ngày sau đó.
Đồn Biên phòng Phó Bảng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21,654km đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, với 39 cột mốc (30 mốc chính, 9 mốc phụ),từ cột mốc 375 tới cột mốc 404. Địa bàn đơn vị phụ trách gồm 5 xã, 52 thôn, trong đó có 14 thôn giáp biên giới với khoảng hơn 20 nghìn dân cư gồm 10 dân tộc, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Bữa sáng đầu tiên sau khi “nhập ngũ” là bữa ăn tập thể, khác biệt với các món bún, miến, phở… mà tôi quen ăn trước khi đến đơn vị làm việc, ở doanh trại một ngày 3 bữa ăn đều là cơm. Các anh em bộ đội giải thích vì khối lượng công việc của người lính biên phòng rất nhiều, ngoài công tác chính là đi tuần tra, bảo vệ, đảm bảo an ninh khu vực biên giới thì còn công tác dân vận, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các công tác khác nên nếu không ăn cơm, cán bộ, chiến sĩ rất nhanh đói. “Làm lính thì không kiêng món nào”, vì vậy, tôi ăn và sinh hoạt theo tập thể.
Kết thúc bữa sáng, cán bộ, chiến sĩ trong đồn sẽ có ít phút nghỉ ngơi trước khi đến giờ đọc báo, tìm hiểu các tin tức thời sự trong nước và quốc tế do Thiếu tá Ma Đức Minh - Chính trị viên chủ trì, điều hành.
Theo Thiếu tá Minh, việc đọc báo mỗi sáng rất quan trọng. Đây là hoạt động để các cán bộ, chiến sĩ nắm được đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ. Đồng thời cũng là hoạt động để nâng cao tri thức, hiểu biết cho mỗi người lính. Sau hoạt động này sẽ là họp triển khai nhiệm vụ trong ngày.
Nhìn chung, có thể dùng từ “bận rộn” và “chuẩn chỉ” để hình dung lịch sinh hoạt, làm việc của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng nói riêng và toàn bộ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nói chung.
“Lắm lúc, anh em hay đùa là đơn vị toàn “đàn ông tự chăm nhau”. Vì không chỉ cá nhân tôi mà tất cả các anh em đều xa quê, xa nhà và gia đình, vì vậy mọi việc phải tự thực hiện từ công tác hậu cần tới thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Trong quân đội, nấu ăn cũng là một nhiệm vụ”, Thiếu tá Minh chia sẻ.
“Ba bám, bốn cùng” với trập trùng đồi núi
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác của cán bộ, chiến sĩ tại đồn, Thiếu tá Minh cho biết, địa bàn được phân công chủ yếu là các vùng đồi, núi, có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, bà con rất thiếu đất canh tác nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao, trình độ dân trí thấp nên một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong nhân dân.
“Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong năm 2023, chúng tôi đã xử lý 28 vụ án, 52 đối tượng”, Thiếu tá Minh cho hay.
Dù còn nhiều khó khăn trong công tác, tuy nhiên với quyết tâm thực hiện chủ trương “3 bám, 4 cùng” là bám bản, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng đã làm tốt nhiệm vụ của mình.
Thiếu tá Minh chia sẻ thêm, ngoài những công tác thường ngày, các cán bộ, chiến sĩ tại đồn cũng thường xuyên tăng gia, sản xuất như trồng rau, nuôi lợn, gà… để cải thiện bữa ăn và cũng là để anh em có buổi tất niên ấm cúng với những món “cây nhà, lá vườn”.
Khi không khí Tết càng rộn ràng thì cũng là lúc mà người lính Biên phòng tất bật đến từng thôn, từng nhà thăm hỏi, hỗ trợ người dân.
“Vùng cao rất lạnh và thường có sương muối, băng đá, mưa bão, lũ quét, sạt lở… nên chúng tôi cũng thường xuyên cắt cử lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ bà con chằng, chống nhà cửa, chuồng trại.
Ngoài ra, do địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc nâng cao trình độ nhận thức của bà con rất quan trọng. Công tác vận động bà con cho các cháu tới trường rất cần thiết và chúng tôi vẫn tổ chức thực hiện thường xuyên”, Thiếu tá Minh nói.
Một buổi chiều sau khi “nhập ngũ”, tôi được phân công ghi hình, tác nghiệp cùng với một tổ tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng Phó Bảng. Tổ tuần tra gồm 2 cán bộ và 3 chiến sĩ được trang bị đúng tiêu chuẩn, mang theo vũ khí, quân trang chỉnh tề xuất phát từ đơn vị đến các đường biên, cột mốc theo phân công.
Nếu nói leo núi là một môn thể thao, thì với tôi, 5 thành viên trong tổ tuần tra đều là những vận động viên chuyên nghiệp. Đường núi gập ghềnh đá nhọn, cỏ dại, nhiều cung đường trơn trượt nhưng các anh vẫn di chuyển rất nhanh và không nghỉ. Họ chỉ dừng lại, quan sát địa hình bởi vì… chờ nhà báo nghỉ. Quả thật, với thể lực hạn chế và việc không quen đường đi, tôi rất khó khăn để bắt kịp bước chân của người lính biên phòng.
Băng qua quãng đường đồi núi, chúng tôi hướng đến cột mốc được dựng trên đỉnh núi cao chót vót, từ nơi đây nhìn xuống, trước mắt là một màu xanh của lá, một màu xám của đá cao nguyên Đồng Văn. Đứng nơi đây, ngay cạnh cột mốc biên giới mà bao đời người Việt giữ gìn, bao nhiêu người lính đã cống hiến thầm lặng cả cuộc đời nơi biên cương mới thấy được Tổ quốc thiêng liêng đẹp vô cùng.
Nhìn vào màu sơn đỏ chói như màu cờ ghi rõ con số 392 trên cột mốc và nhìn vào những người lính dù mướt mát mồ hôi vẫn đứng nghiêm trang làm nhiệm vụ, tôi lại nhớ đến lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Lễ Nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng. Có lẽ, lời phát biểu ấy chính là tiếng lòng và mục tiêu phấn đấu của mỗi người đảng viên.
Tôi xin trích dẫn một phần lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bút ký này: “Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Với người lính nói riêng và với người Đảng viên nói chung, đối với mỗi công việc được phân công, họ sẽ làm được, làm tốt, nếu không biết thì sẽ học hỏi đến khi biết để làm được
Bởi vì họ là những người tiên phong đi đầu trong việc bảo vệ, phát triển đất nước và đồng hành trong đời sống cùng nhân dân. Cũng bởi vì, họ đã “nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh”.