Trong 6 tháng vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 bệnh nhân nguy kịch do dùng thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.
Ngày 6/11, BS Phạm Thế Thạch - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong một thời gian ngắn, khoa đã tiếp nhận nhiều ca nguy kịch do sử dụng thuốc điều trị tiểu đường đông y. Đặc biệt, có 2 ca tử vong và 1 trường hợp nguy kịch do sử dụng thuốc điều trị tiểu đường không rõ nguồn gốc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy thuốc mà các bệnh nhân sử dụng là thuốc giả danh đông y, có thành phần chất Phenphormin - đây là hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả Việt Nam cấm lưu hành từ nhiều năm qua.
Thuốc đông y trị tiểu đường mà các bệnh nhân sử dụng, trong đó viên màu xanh có chứa Phenphormin
Bệnh nhân đầu tiên là nam giới, 57 tuổi ở Lạng Sơn. Bệnh nhân này bị tiểu đường từ nhiều năm và thường xuyên sử dụng thuốc Đông y. Thấy bệnh tình ngày càng nặng, gia đình đã đưa người bệnh vào Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cấp cứu, sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, có dấu hiệu như viêm phổi, suy đa tạng... Qua xét nghiệm, kết hợp tìm hiểu từ người nhà bệnh nhân, các bác sĩ được biết, trước đó người này đã sử dụng sản phẩm trị tiểu đường có tên là Tiểu đường hoàn. Sau 4-5 ngày cấp cứu, bệnh nhân này không qua khỏi.
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân nam 66 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bị đái tháo đường, tăng mỡ máu. Khi nhập viện, bệnh nhân này cũng có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy... Các bác sĩ đã cho bệnh nhân lọc máu 3 ngày liên tục nhưng bệnh tình không thuyên giảm và gia đình đã xin về tử vong tại nhà.
Mới đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam bệnh nhân 70 tuổi (Hà Nội) cũng có dấu hiệu như 2 bệnh nhân trên. Người này có bệnh cảnh đau bụng, đau ngực, suy đa tạng, axit lactic trong máu tăng, nhồi máu cơ tim cấp, bị hôn mê và phải thở máy…
Bệnh nhân đã được lọc máu khẩn cấp. May mắn là sau thời gian lọc máu, người bệnh đã qua cơn nguy kịch, rút ống nội khí quản.
Theo BS Thạch, đặc điểm chung của 3 bệnh nhân đều có chung bệnh cảnh đau bụng, tiêu chảy, suy tim, suy thận… và khi nhập viện thì các bác sĩ phải tiến hành lọc máu đến ngày thứ 4 mới cải thiện tình trạng bệnh.
TS Nguyễn Quang Bảy - Phụ trách Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Phenphormin là hoạt chất thuộc nhóm sử dụng trong điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, nhận thấy thuốc có chứa hoạt chất này gây nhiều biến chứng, dặc biệt là nhiễm toan lactic, gây rối loạn chuyển hoá tất cả các cơ của người bệnh tiểu đường nên thế giới đã cấm dùng thuốc có chứa hoạt chất này.
Cũng theo TS Bảy, điều trị đái tháo đường là điều trị theo đặc điểm bệnh của từng người bệnh, chứ không phải điều trị bệnh chung chung, do đó người bệnh không thể dùng chung đơn của người khác. Người bệnh nên dùng thuốc theo đơn và chỉ định của bác sĩ, mua thuốc có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.