Mặt bằng lãi suất huy động đang tiếp tục đi xuống trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế chưa tăng như kỳ vọng.
Lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm đến nay, nhưng tốc độ giảm lãi suất huy động lại nhanh hơn nhiều so với lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay cũng có giảm nhẹ từ từ sau lần hạ lãi suất hồi tháng 4/2023, nhưng vẫn chưa đủ nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp.
Như VPBank đã điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất là 7,6%/năm, đã giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 5.
SCB đồng loạt giảm 0,4 - 0,45 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Techcombank cũng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn và sản phẩm. Biểu lãi suất tiết kiệm thường ghi nhận giảm nhẹ 0,5 - 0,7 điểm % so với tháng trước.
Tại ACB, khung lãi suất huy động mới được điều chỉnh giảm 0,3 - 1 điểm % so với tháng trước.
Theo nhóm phân tích của SSI, số liệu từ phía Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất cho vay đối với những khoản phát sinh mới đã hạ nhiệt, quanh mức 10-11% trong khi lãi suất ở những khoản vay cũ vẫn ở mức tương đối cao, khoảng 13-14%/năm.
Thống kê đến nay, lãi suất huy động đã giảm 1-2,5%/năm nhưng theo các ngân hàng lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa "tiêu hóa" hết.
Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng giảm, nhưng khoảng cách về lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên giữa các ngân hàng có sự chênh lệch lớn. Điều này cho thấy trong xu hướng giảm lãi suất chung, không phải ngân hàng nào cũng có thể ngay lập tức điều chỉnh giảm lãi suất đi theo.
Trong báo cáo công bố hồi giữa tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao, khiến cho khả năng giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.