Mạo danh cán bộ Chính phủ, lừa hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp

Mạnh Hùng| 02/08/2017 22:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hai ngày xét xử, chiều nay (2/8), HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án với hai bị cáo trọng vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Hai bị cáo trong vụ án gồm: Trần Ngọc Quyết (SN 1953, trú tại phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phan Ngọc Thực (SN 1971, trú tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang) về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 193 và khoản 3 Điều 267 – BLHS.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 6/2016, Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa tư nhân Năm Anh (gọi tắt là Công ty Năm Anh) do ông Trần Văn Hưởng (SN 1967, trú tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương) làm Giám đốc được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nam Anh tại địa phương.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, thông qua mối quan hệ xã hội, ông Hưởng quen biết Trần Ngọc Quyết và Phan Ngọc Thực. Sau những cuộc “giao lưu”, biết công ty ông Hưởng đang triển khai một số dự án bệnh viện, Quyết liền nói dối mình là cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án Chính phủ, còn Thực là thư ký của mình.

Sau khi tự nhận mình là người có “vị trí” trong Ban Quản lý dự án Chính phủ, Quyết nói với ông Hưởng có thể giúp Công ty Năm Anh vay được nguồn vốn ưu đãi Chính phủ với lãi suất rất thấp. Thay vào đó, công ty ông Hưởng phải cắt lại 0,01% tổng nguồn vốn vay được.

Tin những lời nói đó của Quyết là thật, ông Hưởng đã đưa hồ sơ doanh nghiệp và dự án để nhờ Quyết “giúp đỡ” khi công ty của ông đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính.

Mạo danh cán bộ Chính phủ, lừa hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp

Hai bị cáo Quyết và Thực tại phiên tòa xét xử chiều nay

Đến cuối tháng 8/2016, Quyết bảo ông Hưởng ra Hà Nội và đưa cho vị Giám đốc này danh sách các dự án được Chính phủ phê duyệt nguồn vốn ưu đãi, trong đó có dự án Bệnh viện Nam Anh được vay 15.000 tỷ đồng trong thời hạn khá dài (30 năm).

Sau khi nhận được bản danh sách (bản photocopy) này, vị Giám đốc này được Quyết hướng dẫn mở tài khoản ở một ngân hàng để tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi. Theo đó, để nhằm lấy được “lòng tin” của ông Hưởng, Quyết và Thực đã vào Bình Dương để thẩm định dự án của công ty ông Hưởng.

Cuối tháng 11/2013, theo yêu cầu của Quyết, ông Hưởng đã chuyển cho đối tượng này 1,5 tỷ đồng tiền chi phí qua một tài khoản ngân hàng. Sau đó, kéo dài đến đầu tháng 6/2014, Quyết và Thực lại tiếp tục yêu cầu vị Giám đốc này chuyển thêm tiền với tổng số lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Tiếp đến tháng 7/2014, Quyết lại gọi điện thông báo cho ông Hưởng rằng nếu muốn được giải ngân 15.000 tỷ đồng vào tháng 8 thì phải chuyển thêm cho đối tượng 2,7 tỷ đồng. Đang lúc đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính nên Giám đốc doanh nghiệp tiếp tục đi vay lãi ngày để có tiền chuyển cho kẻ lừa đảo.

Cuối tháng 10/2014, Quyết và Thực còn tìm đến nhà ông Hưởng với tờ quyết định cho vốn giả của Thủ tướng Chính phủ trong tay, đồng thời ra giá chi thêm 5 tỷ đồng thì sẽ được nhận ngay. Tuy nhiên, do đã phát hiện ra âm mưu “đen tối” của hai đối tượng nên Giám đốc doanh nghiệp này đã tố cáo toàn bộ hành vi của Quyết và Thức tới cơ quan công an.

Với thủ đoạn tương tự nêu trên, năm 2011, Công ty TNHH Châu Thiện Mỹ (Công ty Châu Thiện Mỹ) do ông Đoàn Xuân Tiếp làm Giám đốc được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép xây dựng Trường Đại học Kinh Bắc với tổng kinh phí hơn 1.460 tỷ đồng.

Biết vợ chồng ông Tiếp đang là chủ đầu tư dự án này, Thực lập tức nhờ người kết nối làm quen. Sauk hi gặp gỡ vợ ông Tiếp, Thực xuất trình giấy tờ thể hiện đối tượng là cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án Chính phủ, đồng thời cho xem bản danh sách các dự án được vay vốn ưu đãi, trong đó có Trường Đại học Kinh Bắc.

Theo đó, Thực bảo vợ anh Tiếp muốn được nhanh chóng giải ngân thì đưa cho hắn 4 tỷ đồng. Tin lời Thực nói là thật, vợ chồng ông Tiếp đã giao đủ số tiền trên qua tài khoản của người dẫn mối cho Thực. Một thời gian sau, Thực tiếp tục kiếm lý do và vợ chồng ông Tiếp một lần nữa giao thêm 4 tỷ đồng để sớm nhận được nguồn vốn ưu đãi Chính phủ.

Đến tháng 5/2014, vợ chồng ông Tiếp yêu cầu Thực cho gặp cấp trên để hỏi cho ra nhẽ thì đối tượng sắp xếp cho gặp Quyết trong vai Trưởng Ban QLDA của Chính phủ với đầy đủ giấy tờ như thật và rồi khi vợ chồng anh Tiếp đang mong chờ nguồn vốn ưu đãi thì Thực, Quyết bị bắt giữ do lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Cơ quan chức năng xác định, ngoài các bị hại trên, Quyết và Thực còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 doanh nghiệp khác với tổng tiền lên đến 25,7 tỷ đồng.

Tại phiên tòa xét xử, cả hai bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cho rằng hành vi phạm tội của hai bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, coi thường pháp luật, xâm phạm đến chế độ sở hữu tài sản, làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức mà còn làm ảnh hưởng xấu tới cơ quan Nhà nước nên cần phải áp dụng hình phạt nghiêm mình nhằm răn đe giáo dục tội phạm và phòng ngừa chung.

HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt hai bị cáo Trần Ngọc Quyết, Phan Ngọc Thực đều lĩnh mức án 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cùng án 4 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp cả hai tội danh, hai bị cáo Quyết và Thực đều phải chấp hành mức án 24 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạo danh cán bộ Chính phủ, lừa hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp