“Mình vẫn nhớ như in ngày đầu tiên mẹ đưa sang xã bên để thuê nhà trọ cho mình đi học. Nhớ những ngày cuối tuần được nghỉ, đi bộ 15 km về nhà, vừa đi vừa chạy sao cho đến nhà trước khi mặt trời lặn”, Đàm Thị Liên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) nhớ lại những ngày vượt 15km đường rừng đi học, mang theo ước mơ “học để thoát nghèo”.

untitled-1.png

Nữ Phó Bí thư sinh năm 1993 kể lại, lứa tuổi của cô, cả xã có khoảng gần chục bạn đi học cấp 1. Càng lên cao lại ít đi bởi nhiều bạn nhà khó khăn, không đủ điều kiện đi học phải nghỉ ở nhà làm nương, làm rẫy phụ cha mẹ mưu sinh. Lên lớp 5, cả trường chỉ còn 4 bạn đi học. Không đủ học sinh để mở lớp, bố mẹ phải gửi sang bên Trường Tiểu học xã Cường Lợi, huyện Đình Lập để học.

“Năm đó đi học, mẹ mình cùng ba bác trong làng chuẩn bị gạo, thức ăn và một ít tiền đi sang xã Cường Lợi thuê nhà cho mấy đứa. Lúc đó mình chỉ mới gần 10 tuổi, nhìn mẹ và các bác đi về mấy đứa trẻ con ở lại ôm nhau khóc như mưa” – Liên kể.

untitled-3.png

Gần 10 tuổi, bốn đứa trẻ con xa nhà tự chăm sóc, bảo ban nhau học hành. Học về, cả nhóm cùng nhau nấu cơm, giặt giũ làm mọi việc không có bố mẹ bên cạnh. Với cô, đó là những năm tháng, những ký ức không thể nào quên. Khó khăn vô cùng, nhưng theo Liên, lúc đó được đi học là may mắn lắm rồi.

Nhà cách trường học 15 km đường rừng, lúc bấy giờ đường đi lại khó khăn, muốn đi từ xã này qua xã khác phải đi men theo các con đường một bên là vực, một bên là lưng núi. “Trưa thứ 6 học xong, bốn đứa trẻ tức tốc chạy về. Những năm đó, rừng còn nhiều thú hoang, cứ trời tối xuống chúng hú vang khắp núi rừng chỉ nghĩ đến đã sởn gai ốc. Mấy đứa chỉ biết cắm đầu, cắm cổ chạy sao nhanh nhất có thể, nếu chạy chậm bị bỏ lại thì cảm giác không có từ gì để tả...”, Liên nhớ lại.

untitled-8(1).png

Một năm sang xã bên học nhờ cũng kết thúc, Liên và các bạn được chuyển ra thị trấn học nội trú. “Lúc ra, trong mắt mấy đứa mọi thứ thay đổi, trường to, lớp đẹp, được ăn no và ngon hơn, cũng từ đó trong 4 đứa bắt đầu biết ước mơ” – cô kể tiếp.

Người muốn trở thành bộ đội, người muốn trở thành luật sư, còn Liên muốn mình trở thành một cô giáo sau này trở về làng truyền lại kiến thức, cái hay, cái đẹp của con chữ và gieo những ước mơ cho các em nhỏ ở bản làng mình.

Thế rồi, tốt nghiệp cấp 3, Liên đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Dẫu tốt nghiệp ngành sư phạm, nhưng lúc đó xã thiếu nguồn lực trẻ, Liên được tuyển chọn vào đội ngũ cán bộ nguồn trẻ của xã. Từ đó, Liên trở thành một Bí thư đoàn xã. Cô xây dựng các chiến dịch tình nguyện, hoạt động giúp thanh niên nghèo trong xã phát triển kinh tế. Ba năm gắn bó với vai trò một Bí thư đoàn xã, Liên được bà con, lãnh đạo trong xã tin yêu, tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thắng.

untitled-4.png

“Còn trẻ lại thiếu kinh nghiệm, nên những ngày đầu nhận nhiệm vụ này tôi rất lo lắng, áp lực. Tuy nhiên, được bà con hiểu, động viên, đặc biệt là các bác, các chú đi trước hướng dẫn tận tình nên tôi cũng dần tự tin hơn” - Liên chia sẻ.

Nhờ con chữ, tính ham học, nghị lực, những bạn học sinh xã Đồng Thắng năm đó giờ đây là những cán bộ nòng cốt của xã Đồng Thắng. Hiện một người giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã, người là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, người là Bí thư đoàn. Tất cả đều đang cống hiến hết mình cho quê hương.

untitled-5.png

Xã Đồng Thắng là một xã miền núi vùng ba đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng học sinh bỏ học gần như không còn. Để học sinh không bỏ học giữa chừng, nhà trường chủ động đề xuất với phụ huynh có nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn cho học sinh ở lại trường buổi trưa. Thầy cô sẽ thay cha mẹ chăm sóc, nếu những học sinh tiếp thu bài chậm, buổi trưa thầy cô tranh thủ phụ đạo cho các em.

Theo như chia sẻ của bà Ninh Thu Giang – Trưởng phòng GDĐT huyện Đình Lập – tỉnh Lạng Sơn, đối với những học sinh thuộc xã Đồng Thắng, huyện có rất nhiều ưu tiên. Các con học xong cấp 1 được tuyển thẳng vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Đình Lập học. Nơi đây các con được chăm sóc từ học hành cho đến ăn uống. Tạo môi trường tốt nhất, để các con yên tâm theo đuổi con chữ. Đồng thời, Phòng GDĐT cũng phối hợp với nhà trường, phụ huynh trang bị đầy đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh.

untitled-6.png

“Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đầu học kỳ II của năm học 2019-2020 học sinh cả nước phải nghỉ học, trên địa bàn huyện có một số trường học chưa có Internet hoặc phụ huynh không có thiết bị cho con học trực tuyến, Phòng đã yêu cầu giáo viên đến tận nhà giao bài tập, dạy cho học sinh. Hướng dẫn phụ huynh cách kèm cặp con lúc học ở nhà, làm sao nghỉ học tránh dịch nhưng không ngừng học” - bà Giang nói.

Bà Giang cũng cho biết, dù huyện có nhiều quan tâm, hỗ trợ, nhưng hiện nay vẫn còn khó khăn như thiếu lớp học, phòng học chức năng. Hiện UBND huyện đang xem xét, ưu tiên những trường đặc biệt khăn được đầu tư cơ sở vật chất trước.

untitled-7.png

“Riêng đối với xã Đồng Thắng, những năm gần đây huyện cũng đặc biệt quan tâm cải tạo đường sá, kéo điện vào tận bản, làng tạo điều cho bà con thuận lợi phát triển kinh tế. Đồng thời, luôn có những quan tâm riêng cho học sinh có thể đến trường, hạn chế tối đa việc nghỉ học giữa chừng” - bà Giang cho biết thêm.

Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, đối với những giáo viên công tác vùng sâu, vùng xa phòng luôn quan tâm, sát sao để các thầy cô an tâm công tác, phát huy hết năng lực, sở trường. Đồng thời, có cơ chế luân chuyển không để một giáo viên ở vùng khó quá lâu. Nhờ vậy, đội ngũ giáo viên bám trường, bám lớp không ngừng sáng tạo, khắc phục những khó khăn thiếu thốn mang con chữ đến với học sinh.

brown-refined-scrapbook-valentine-s-day-greeting-presentation(1).png

Nội dung: Ngô Chuyên

Thiết kế: Nguyễn Dương

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang con chữ lên vùng cao (kỳ 3): Trưởng thành từ vùng khó