Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo nội dung trên và cho biết, công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây.
Mầm bệnh đã ở trong cộng đồng
Tại giao giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các địa phương trong cả nước mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch, đến nay cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Phải luôn ghi nhớ dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn chuyên môn, khoảng trên 50 hướng dẫn đến thời điểm này, đề nghị Sở Y tế các địa phương phải rà soát lại hệ thống hướng dẫn này và báo cáo lãnh đạo cấp ủy, Ban Chỉ đạo của địa phương để triển khai thực hiện, phổ biến và giám sát.
"Chúng tôi lo ngại vụ dịch vào mùa đông xuân sẽ khó khăn hơn, điều kiện thời tiết và môi trường ẩm nên virus sẽ lan nhanh. Nếu xảy ra tình huống có hàng trăm ca mắc trong một thời điểm tại một địa điểm thì xử lý ra sao? Do đó, chúng ta phải luôn đặt ra tình huống nếu dịch xảy ra tại công sở, khu công nghiệp, bệnh viện thì xử lý như thế nào?
Các địa phương cần ngay lập tức rà soát lại các kịch bản, tình huống chống dịch của địa phương và luôn nghĩ đến tình huống có ca bệnh trên địa bàn để chủ động với mọi tình huống, nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, dập dịch, tránh lây lan rộng", Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định, đây là bài học hết sức thiết thực để dưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, các địa phương phải luôn chuẩn bị cho kịch bản xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, xảy ra dịch tại các địa điểm nguy cơ cao (cơ sở y tế, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người…).
Bệnh viện không đảm bảo an toàn thì yêu cầu dừng hoạt động
Liên quan đến vấn đề cách ly, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các địa phương tuân thủ cách ly triệt để, đúng theo quy định hiện hành về thời gian cách ly 14 ngày. Tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 đã được ra khỏi khu cách ly tập trung.
Người ra khỏi khu cách ly phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 14 ngày. Đảm bảo tuân thủ việc quản lý, giám sát của các chuyên gia nhập cảnh trong công tác cách ly.
Để bảo vệ các cơ sở y tế đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải tăng cường tập huấn cho cán bộ, song song tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện các yêu cầu về an toàn trong phòng chống dịch.
Các bệnh viện cũng phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế tại các khoa “điểm yếu” như cấp cứu, hồi sức, khám bệnh, thận nhân tạo... vì đây là nguồn lây bắc cầu.
Nhấn mạnh, việc bảo vệ nhân viên y tế ở mức cao nhất thì mới có thể ứng phó với dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu tuyệt đối không để thiếu hụt trang thiết bị phòng hộ phục vụ chống dịch cho nhân viên y tế. Các bệnh viện cũng phải có kịch bản cho các trường hợp có ca nhiễm tại bệnh viện, tại các khoa nguy cơ cao của bệnh viện (khoa cấp cứu, khoa thận…).
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh “nếu bệnh viện không đảm bảo tiêu chí an toàn thì yêu cầu dừng hoạt động, nếu tiếp tục tái phạm thì đề nghị xử lý ngay người đứng đầu, bất kể đó là bệnh viện công hay tư”.
Song song với đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm PCR. Bộ đã giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn ngay cho các địa phương trong công tác xét nghiệm bằng phương pháp ELISA, do Việt Nam hiện đã sản xuất được kit ELISA có độ nhạy tương đối cao.
Bản tin 6 giờ sáng ngày 30/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận. Việt Nam đã chữa khỏi 677 bệnh nhân. Hiện, trong số các bệnh nhân đang điều trị đã có 124 bệnh nhân âm tính từ 1-3 lần Số ca mắc ở Việt Nam tính đến 6 giờ ngày 29/8: Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 550 ca. Tính từ 18 giờ ngày 29/8 đến 6 giờ ngày 30/8: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay. [Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 54.392, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.212 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.103 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 39.077 người. Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 677 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 45 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 51 ca, số ca âm tính lần 3 là 28 ca. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 32 ca. |