Khi những vạt cải trên nương bừng nở, những cành hoa mận, mơ, lê, đào khoe sắc trắng, hồng, đó chính là dấu hiệu “nàng Xuân” đã ghé thăm bản làng vùng cao.
Mùa xuân mang đến niềm vui mới, khát vọng và hy vọng cho mọi người. Qua góc máy đậm chất nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng (Tùng Yao), nét đẹp của mùa xuân vùng cao hiện lên tinh tế, say đắm lòng người.
“Săn” ảnh mùa xuân
Chỉ vì ánh mắt bị cuốn theo bộ váy áo sặc sỡ của đồng bào dân tộc thiểu số trong một lần du lịch lên núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) mà anh Sơn Tùng đã “phải lòng” nhiếp ảnh.
Từ đó đến nay, đã hơn 5 năm kể từ lần gặp ấy, nhiếp ảnh gia Sơn Tùng đã dành trọn tâm huyết để tìm hiểu, ghi lại những hình ảnh về văn hóa, tập tục của các dân tộc thiểu số giàu bản sắc ở Việt Nam.
Thật ngạc nhiên là dù mới chỉ “chơi” nhiếp ảnh được khoảng thời gian không dài nhưng khi xem ảnh của anh, người ta ngỡ phải là tay máy chuyên nghiệp. Bắt đầu từ chụp thiên nhiên, anh dần mở sang mọi đề tài trong cuộc sống, nhất là với những bức hình mùa xuân.
Khung cảnh tươi đẹp mùa xuân hút hồn bao người, thế nhưng với nhiếp ảnh Nguyễn Sơn Tùng lại rất thích thú khi khắc họa những biểu cảm trên khuôn mặt của những con người vùng cao.
Đó là sự hân hoan, vui tươi, rạo rực của những em bé người Tày, người Mông, Dao với trang phục đủ các màu sắc nơi bản làng xa xôi, hay đó là nụ cười tràn đầy sức sống của cô thiếu nữ trong phiên chợ cuối năm; các chàng trai, cô gái gửi tâm tình qua tiếng khèn du dương, qua tiếng đàn môi ngọt lịm, qua tiếng sáo thiết tha...
Hay đó là gương mặt in hằn những nếp nhăn của những ông cụ, bà cụ già, ánh mặt lại rạng rỡ hạnh phúc khi xuân sang; là đời sống của những người dân vùng cao cần cù lao động và chính họ cũng là chủ nhân, người tạo nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, người gìn giữ bảo vệ vùng biên cương của Tổ Quốc.
Bằng những bản sắc văn hóa đặc trưng, mỗi dân tộc như một đóa hoa của rừng đại ngàn Tây Bắc rực rỡ đón xuân về.
Là người mê chụp ảnh, đặc biệt là ảnh vùng cao, nhiếp ảnh gia Sơn Tùng không còn nhớ nổi mình đã đi mòn đế bao nhiêu đôi giày để “săn” được những khoảnh khắc.
Anh Tùng cho biết, trong bốn mùa của năm, thì mùa xuân là mùa đẹp nhất và tạo cảm xúc nhất cho mỗi nhiếp ảnh gia và bản thân anh luôn cố gắng ghi lại những khoảng khắc ấy qua mỗi năm.
Mỗi khoảnh khắc đẹp chụp được là một niềm vui, bởi anh có thể chia sẻ đến công chúng một cách rộng rãi nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người nơi đây.
Để “bắt” được những khoảng khắc đẹp, những bức phong cảnh đẹp của mùa xuân thì các tay “săn” ảnh phải dậy từ 4-5 giờ sáng. Đường lên các bản của vùng cao Tây Bắc đã cải thiện nhiều nhưng nhiều đoạn cũng phải vừa bật đèn vừa phải có người xi - nhan.
Xe “trườn” trên những dãy núi cao ngất trời, tưởng mình đang đi trên mây. Từng vòng cua gấp liên tiếp dẫn lên đỉnh núi, rồi lại bò xuống chân đèo để leo lên ngọn núi khác. Mới thấy con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên hùng vĩ, bao la.
Và để có những bức ảnh chụp sương, mây luồn, cảnh thiên nhiên kỳ vĩ... phải luôn lựa chọn thời tiết, đợi ở điểm chụp vài ngày, có nơi phải đi đến vài lần mới được đúng thời điểm ưng ý.
Lạc bước giữa miền hoa
Anh Nguyễn Sơn Tùng là nhiếp ảnh gia tự do chuyên chụp ảnh phong cảnh, cuộc sống và văn hóa. Mỗi năm, anh thường rong ruổi bắt đầu bằng những ngày trước và sau Tết, khi những bông đào rừng đua nhau khoe sắc trên miền biên cương hùng vĩ của Tổ quốc.
Theo anh Tùng, thời điểm chụp hoa đào ở Hà Giang, Lạng Sơn đẹp nhất là qua sau Tết Nguyên đán, khi cái lạnh trên vùng cao nguyên đá dần tan biến, những nụ hoa đào mới bắt đầu bung nở.
Hoa đào ở đấy thường nở muộn hơn đào dưới xuôi. Do thời tiết trên những vùng núi cao thường rất lạnh, nên những cây đào thường ngậm nụ rất lâu. Chỉ khi có nắng, thời tiết ấm lên, hoa đào mới bung nở rực rỡ.
“Nắng cuối chiều còn rớt lại chóp núi. Những bản làng ở Tây Bắc tỏa khói cơm chiều... Những bé trai, bé gái khuôn mặt bầu bĩnh thật đáng yêu. Sắc váy áo đồng bào dân tộc Mông, Dao, Lô Lô... rực rỡ với nắng.
Ánh sáng ngược, ánh sáng xiên rọi vào từng mái nhà, bình yên càng thấy lòng ấm áp. Những khoảnh khắc đấy đẹp đến nao lòng nên mình cũng muốn làm sao giới thiệu cho du khách và bạn bè trong nước, quốc tế", anh Tùng chia sẻ.
Được đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống của nhiều dân tộc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng có một kho kiến thức rất phong phú về phong tục, tập quán, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh chia sẻ, với đồng bào dân tộc thiểu số, ngày Tết đặc biệt lắm. Nó không chỉ đơn thuần là một ngày lễ quan trọng, mà thông qua ngày Tết có thể thấy được sự đổi thay trong cuộc sống từ năm này, qua năm khác.
Và có một điều đặc biệt là anh có nhiều duyên nợ với dân tộc Dao. Anh dành trọn tâm huyết của mình để ghi lại những hình ảnh về văn hóa, phong tục và đặc biệt là trang phục của dân tộc thiểu số giàu bản sắc này.
Đằng sau mỗi bức ảnh là cả tâm tư, khao khát bảo tồn để sắc màu trang phục dân tộc Dao sẽ không bị lãng quên trong dòng chảy của thời đại.
Hiện nay, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng đã có trong tay hàng trăm ngàn tấm ảnh về người Dao ở khắp các tỉnh. Những hiểu biết của anh về người Dao cứ thế vun đầy theo năm tháng và âm thầm theo dòng chảy của văn hóa dân tộc.
Với anh, đó không còn là thú vui nữa mà mỗi tấm ảnh là những tư liệu quý về đời sống, văn hóa người Dao.
Cầm máy được 5 năm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng đang có trong tay một “gia tài” khá lớn các bộ sưu tập ảnh chủ đề phong cảnh, cuộc sống con người vùng dân tộc thiểu số.
Và đặc biệt, với những bộ ảnh về mùa xuân trong tác phẩm: Tết đoàn viên, Xuân hạnh phúc, Hạnh phúc mùa xuân, Bếp ấm bản Khoang... đã mang về cho anh nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá.