“Ma túy số” quay trở lại gây bão tại Việt Nam

Hoài Đan| 08/12/2014 15:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vài năm trước, dòng nhạc I-Dosing được dân cư mạng tung hô là “ma túy số”, “Ma túy Hitech mới”…tràn vào Việt Nam đã hạ gục các bạn trẻ lúc bấy giờ. Sau một thời gian dài tạm lắng, gần đây, dòng nhạc này tiếp tục quay trở lại gây bão tại Việt Nam.

Giới trẻ quay cuồng với I-Dosing

“Ma túy số” quay trở lại gây bão tại Việt Nam

Vì tò mò nhiều bạn trẻ đã nghe I-Dosing rồi nghiện lúc nào không hay

Những dòng tiêu đề như: “I-Dosing, phê không các bạn?”, “I-Dosing - bạn đã nghe chưa?”, “Ma túy Hitech mới - vào thử đi các bạn”…đang tràn ngập các diễn đàn, trang mạng, kích thích sự tò mò của các bạn trẻ.

 Hàng loạt các bản nhạc I-Dosing cũ, mới được liên tục update, phục vụ các bạn trẻ có nhu cầu thưởng thức dòng nhạc này. Chỉ cần một chiếc điện thoại có chế độ tải và nghe nhạc hoặc một máy tính có kết nối mạng internet, một headphone là bạn hoàn toàn có thể lên mây cùng với I-Dosing bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Sau khi nghe I-Dosing, một số bạn trẻ nhận định rằng dòng nhạc này có thể gây nghiện. Nick name Artiss Various thành viên của diễn đàn VN - Zoom chia sẻ: “Cái phê trong dòng nhạc này là ảo giác theo điệu nhạc. Nếu nhắm mắt nghe thì y như chiến tranh trong nhà. Muốn cảm nhận I-Dosing thì phải đeo headphone, khi nghe I-Dosing bật âm lớn nhất, bịt mắt đóng cửa thì đấy mới là ma túy công nghệ cao thật sự”.

Còn bạn Dautay thì cho biết: “Em thấy hơi lên mây các bác ạ, tình hình này cứ nghe nhiều không khéo lại nghiện thì toi”.

Trên thực tế, có rất nhiều bạn trẻ sau khi nghe dòng nhạc này đã bị nghiện lúc nào không hay và I-Dosing trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Những bức ảnh các bạn trẻ đang trong tư thế nhắm nghiền mắt, hai tay ôm headphone lắc lư theo điệu nhạc xuất hiện đày đặc trên các trạng mạng xã hội.

Không chỉ có vậy, những con chiên ngoan đạo của dòng nhạc I-Dosing còn quay cả clip hướng dẫn nghe sao cho đúng cách để có thể lên được chín tầng mây.

Tuy nhiên, có những bạn trẻ cảm nhận, I-Dosing chỉ là một mớ âm thanh hỗn độn và việc gây nghiện là hoang đường. Tiêu biểu là bạn trẻ Dinhquang: “Nhạc như thế này mà bảo là nghiện như ma túy à, hoang đường”.

Đồng quan điểm với DinhQuang, bạn Hahuytran nói: “Khoan tính đến chuyện nó có gây nghiện hay không? Nhưng cái thứ ù ù này mà cũng được coi là nhạc à?”.

Bạn Vuduong cặn kẽ phân tích: “Cái này đâu phải là nhạc. Nó chỉ là hiệu ứng âm thanh 3D thôi, nếu vậy thì nghe mấy cái asmr còn thư giãn hơn”. 

Chưa biết dòng nhạc này có tác dụng giải trí hoặc gây nhiện hay không, nhưng nó đã khiến không ít bạn trẻ có cảm giác sợ hãi.

Bạn Nanaly sau khi nghe I-Dosing thì có cảm giác chóng mặt, đầu quay cuồng, buồn nôn. Âm thanh cứ chạy qua chạy lại hai bên tai, nghe muốn nhũn luôn là những gì mà bạn Khoanguyen vừa trải qua khi nghe I-Dosing.

“Nghe các bạn nói đeo headphone vào nghe phê nhưng mà sợ nghe vào bị nghiện nên chỉ bật loa ngoài nhỏ tý thế thôi mà đã thấy đau tai rồi”, bạn Phammelody cho biết.

Sự thật về “ma túy số”

“Ma túy số” quay trở lại gây bão tại Việt Nam

Âm thanh trong I-Dosing có tên “nhịp cho cả 2 tai"

Theo các nhà nghiên cứu nước ngoài, âm thanh trong I-Dosing có tên “nhịp cho cả 2 tai”. Có nghĩa là, khi 2 loại tông nhạc khác nhau cùng được phát ra, ở tần số âm lệch nhau một chút, thì sẽ làm người nghe có cảm giác họ đang nghe một loại nhịp nhanh, bởi 2 tai nhận 2 sóng âm thanh khác nhau. Quan trọng nhất, một trong 2 sóng âm đó làm người nghe cảm giác như phát ra từ trong não.

Vì được tạo ra từ tần số âm thanh cao thấp, đan xen một cách lẫn lộn nên I-Dosing “lạ” so với âm nhạc bình thường, đồng thời sử dụng những ngôn từ gây kích thích mạnh. Hiệu ứng cộng hưởng này sẽ tác động mạnh mẽ và gây cảm xúc mạnh cho người nghe. Điều đó lý giải tại sao các bạn trẻ “quằn quại” giống như người nghiện ma túy khi nghe I-Dosing.

Tuy nhiên, vì những bản nhạc này sử dụng tiếng Anh nên đã mất đi một số hiệu ứng ngôn ngữ đối với người Việt. Chính vì vậy nhiều bạn trẻ Việt đưa ra nhận xét “cũng bình thường” khi nghe I-Dosing.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một hậu quả nào xảy ra từ việc nghe I-Dosing. Nhưng thiết nghĩ, việc nghe I-Dosing với mức volume cực đại trong một thời gian dài rất có thể sẽ mắc các chứng bệnh về tâm lý, thần kinh, hoặc hỏng màng nhĩ của người nghe.

Về vấn đề này, Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, Trưởng khoa 4, Bệnh viện Tâm thần TW1 (Thường Tín, Hà Nội) từng chia sẻ rằng, khi não bộ thường xuyên bị âm thanh tác động mạnh, con người sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng. Đối với những người nghe nhiều một thể loại nhạc, âm thanh sẽ lặp đi lặp lại ngay cả khi dừng nghe và ám ảnh cả trong giấc ngủ. Cái đó được gọi là ảo giác âm thanh, tạo nên sự ức chế thần kinh.

Nhất là những người yếu thần kinh hay đang gặp phải những tác động tâm lý tiêu cực rất dễ bị rối loạn thần kinh. Trên thực tế, chỉ cần nghe một loại nhạc thông thường với volume cỡ lớn cũng đủ làm tổn thương màng nhĩ, thậm chí gây điếc.

Bác sĩ Thu cho biết thêm, từ trước tới nay Bệnh viện Tâm thần TW1 chưa từng tiếp nhận một bệnh nhân nào nhập viện vì nguyên nhân nghe nhạc I-Dosing.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ma túy số” quay trở lại gây bão tại Việt Nam